TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2022

11/05/2023

Theo Chương trình Phiên họp thứ 23, 9h57 sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/5: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN CÁC BÁO CÁO LIÊN QUAN ĐẾN KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

9h57: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tiếp theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cùng một số cơ quan hữu quan.

10h02: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

Báo cáo về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về Kết quả THTK, CLP trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 06 nghị quyết; các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 văn bản QPPL liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới. 

Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là gần 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022, mặc dù trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức lớn, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giám sát, đồng hành và phối hợp của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành các chính sách vĩ mô kịp thời, đồng bộ, bám sát tình hình thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nước ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP. Bên cạnh đó, kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. 

Về nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2023, là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số… Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể THTK, CLP năm 2023; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTK, CLP tại các bộ, ngành, địa phương.

10h22: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong THTK, CLP năm 2022. Nhận thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

Các bộ, ngành trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có nhiều quy định liên quan đến THTK, CLP.

Thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN; tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả, số kinh phí đã tiết kiệm được là 53.896 tỷ đồng. Nhiều bộ, ngành có số tiết kiệm kinh phí cao như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính…

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, mức độ và tỷ lệ hài lòng của người dân đạt cao. THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, lãng phí. Về báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2022 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ được trình bày theo hướng liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có đánh giá, phân tích và mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là tồn tại, hạn chế của các bộ, ngành địa phương và chưa khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo... 

Về lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội song kết quả còn hạn chế nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng. 

Bên cạnh đó, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm… Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác THTK, CLP và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo. Công khai danh sách Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình THTK, CLP năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10.

Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giao vốn đầu tư; tổ chức thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán, quyết toán đúng tiến độ các công trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, các dự án quan trọng quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội…

10h34: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong năm 2022, Quốc hội đã có chuyên đề giám sát về tiết kiệm chống lãng phí, đã ban hành các Nghị quyết về vấn đề này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đánh giá kết quả làm được so với mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc khắc phục các vấn đề đã được chỉ ra trong Nghị quyết giám sát về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu… cùng một số vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

10h36: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình, đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính nghiên cứu lại thời điểm báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tháng 6/2022 Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 (từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2022). Do vậy, thời điểm Quốc hội cho ý kiến từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, như vậy có nên tách báo cáo thành hai phần: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và việc thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đầy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, báo cáo cần tập trung vào kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đánh giá rõ những ưu điểm nổi bật và cần thiết biểu dương những nơi làm tốt, những nơi có chuyển biến tích cực cả nhận thức và hành động. 

Nghị quyết 74 đã đề nghị Chính phủ rà soát, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai một số công việc cụ thể như phát động cuộc vận động và phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm rõ nội dung nào đã làm được, nội dung nào không làm được, phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Về lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung này chưa được nêu rõ trong báo cáo, vẫn có tình trạng lãng phí trong lập kế hoạch vốn và giải ngân?

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong báo cáo đánh giá mức độ lãng phí đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; lãng phí trong thực hiện  3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì hiện nay đang vướng cả về cơ chế lồng ghép, nguyên tắc lồng ghép, phân cấp, phân quyền… Báo cáo cũng cần được hoàn thiện, bám sát các kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, các hội nghị của lãnh đạo chủ chốt về tình hình kinh tế -xã hội của 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó nêu rõ ưu điểm, tồn tại, đề xuất giải pháp trong năm tới.

10h52: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, về cơ bản trong năm qua, Chính phủ đã quyết tâm để thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công. Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận thức và cố gắng tham mưu các văn bản hướng dẫn để kịp thời đôn đốc nhằm thực hiện hiệu quả các nguồn vốn. Tuy nhiên quá trình hoàn thiện các thủ tục cũng như sự chuẩn bị các dự án đầu tư còn chậm và có nhiều hạn chế... 

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ đã tham mưu Chính phủ khẩn trương sửa đổi 2 Nghị định liên quan. Đó là Nghị định số 27 và Nghị định số 57. 

Trong năm 2023, vốn ngân sách cho đầu tư công tăng 25% so với năm 2022. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Quốc hội cũng đã quyết định giao cho Chính phủ chi tiết. Các thành viên Chính phủ đã đôn đốc từng địa phương nhằm thúc đẩy giải ngân được hiệu quả hơn, nhanh hơn. 

Đối với các ý kiến góp ý liên quan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với Bộ Tài chính tiếp thu, báo cáo lại Chính phủ một cách chi tiết.

10h57: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, để đánh giá khách quan việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2022 thì cần có kết quả kiểm toán, báo cáo này sẽ được gửi tới Quốc hội khi hoàn thành. Cơ bản đồng tình với các báo cáo đã trình bày, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng sau chuyên đề giám sát, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được chú trọng hơn, có kết quả khả quan hơn. 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều vướng mắc chưa được khơi thông, cần đánh giá kỹ điểm nghẽn để bổ sung trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn phân cấp ngân sách, hiện nay chúng ta thực hiện lồng ghép ngân sách, bố trí nhiều nguồn cho cùng một mục tiêu, cùng một nhiệm vụ, nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ để thực hiện có hiệu quả.

11h02: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, giải trình

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội.
Giải trình về các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết do nhiều nguyên nhân, việc giải ngân vốn của chương trình tại các địa phương rất chậm. Bộ trưởng đề xuất phân bổ vốn về cho các địa phương, sau đó sẽ giám sát việc chi tiêu ngân sách. 

Về ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương liên quan đến thời điểm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm, số liệu báo cáo từ ngày 01/01 cho đến ngày 31/12.

Về ngân sách vượt thu ngân sách, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tại Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định nguồn ngân sách trung ương là phải trích 40% để dành làm quỹ lương, ngân sách địa phương thì phải dành 70% để dành làm quỹ lương. Có những năm ngân sách vượt thu hoặc hụt thu nên để phải dành để chủ động nguồn thu để cải cách tiền lương.

11h08: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách và báo cáo của Chính phủ và cho rằng mặc dù năm 2022 do tác động của đại dịch COVID - 19, tình hình xung đột địa chính trị đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng mà với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, của Nhân dân có nhiều chuyển biến là tích cực.

Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tình trạng lãng phí còn vi phạm sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công. Gần đây nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cản trở cho doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước; thủ tục về phòng cháy chữa cháy ban hành đột ngột ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu thời điểm báo cáo của Chính phủ; đồng thời bám sát các chủ trương, các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để viết báo cáo có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá rõ về chuyển biến nhận thức hành động, nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó yêu cầu cụ thể hơn là giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn chế độ; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính chồng, cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội