7 NHIỆM VỤ ĐỂ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

12/05/2023

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9, Ủy ban Xã hội đã xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022. Các đại biểu cho rằng, cần kịp thời triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

ỦY BAN XÃ HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 9

7 nhiệm vụ để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Vừa qua, Ủy ban Xã hội đã xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022 tại phiên họp toàn thể lần thứ 9. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, để thực hiện hiệu quả Chiến lược cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, các Bộ, ngành được phân công nhiệm vụ thực hiện Chiến lược cần chủ động, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, xây dựng công cụ thu thập, theo dõi thông tin, báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành một cách kịp thời, chính xác làm căn cứ để Chính phủ rà soát, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà

Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi), Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Dân số; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.

Thứ ba, cần xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia. Tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê giới, tổ chức các cuộc khảo sát, thống kê, nghiên cứu liên quan để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.  Ưu tiên giải quyết vấn đề phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ ở vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, chú ý đến điều kiện tiếp cận giáo dục, tăng cơ hội học tập cho trẻ em gái, học sinh nữ.

Các đại biểu tại phiên họp

Thứ năm, cần quan tâm triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các giải pháp mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó tập trung thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”.

Thứ sáu, cần tăng cường năng lực, bộ máy làm công tác bình đẳng giới ở các cấp, trong đó chú trọng bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ.

Thứ bảy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Nghiên cứu, xây dựng thí điểm bộ chỉ số xếp hạng bình đẳng giới cấp tỉnh.

Sớm triển khai thí điểm bộ chỉ số xếp thứ bình đẳng giới cấp tỉnh

Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tham mưu cách thức thực hiện kiến nghị của Chính phủ về việc thí điểm bộ chỉ số xếp thứ bình đẳng giới cấp tỉnh;  Tiếp tục phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đặc biệt trong tham gia thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm lồng ghép giới trong các dự án luật do Bộ được phân công chủ trì xây dựng trong thời gian tới; báo cáo kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có nội dung bảo đảm bình đẳng giới (BĐG). Cụ thể: Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3; Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6; Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình thuộc Dự án 7.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới phù hợp với giai đoạn 2021-2030 theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Bổ sung báo cáo về việc thực hiện hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG vào việc xây dựng, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; Sớm ban hành văn bản hướng dẫn chung việc lồng ghép giới trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu đưa ra ý kiến đề nghị Bộ Tài chính bổ sung báo cáo việc thực hiện trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án về BĐG đã được phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; Khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Để thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, các đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Nội dung số 06 thuộc Nội dung thành phần số 08: Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo các đại biểu, Kiểm toán Nhà nước cần nghiên cứu, tiến hành cuộc kiểm toán về việc phân bổ ngân sách về BĐG trước năm 2025 để phục vụ đánh giá Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 vào giữa kỳ. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần báo cáo về việc thực hiện “truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới”; kết quả cụ thể công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với sản phẩn quảng cáo có nội dung định kiến giới. Bộ Công an cần báo cáo kết quả thực hiện phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới theo đúng nhiệm vụ được giao tại mục k.1.VI tại Chiến lược .

Ngoài ra, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần bổ sung báo cáo về kết quả thực hiện Dự án 8: Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG.

Hồ Hương