QUY ĐỊNH RÕ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRONG LUẬT

15/05/2023

Tại phiên họp thứ 23, cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật không có mấy quy định cụ thể về chế độ tài chính mà giao Chính phủ quy định. Do đó, đề nghị rà soát, hoàn thiện các nội dung về tài chính của tổ chức tín dụng như về doanh thu, chi phí, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hạch toán lãi, lỗ, kế toán, kiểm toán, trích lập quỹ trong dự thảo Luật; đồng thời cần có các quy định nhằm phát huy vai trò của Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước về các tổ chức tín dụng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Gợi ý nội dung thảo luận, bày tỏ băn khoăn về quy định của dự thảo Luật về tài chính của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khi quy định chế độ tài chính của ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề quy định của Chính phủ là thế nào. Toàn bộ mảng về tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại từ doanh thu, chi phí, doanh thu nhận trước, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hoàn nhập dự phòng, hạch toán lại lỗ, vấn đề chế độ kế toán, kiểm toán, vấn đề trích lập các quỹ…trong dự thảo Luật không có. Luật về tổ chức tín dụng, nhưng tài chính của tổ chức tín dụng lại không quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề đã được đặt ra khi xây dựng chính sách, cùng với đó là vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý tổ chức tín dụng, nội dung nào quy định bằng thông tư, bằng nghị định để bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch.

Báo cáo làm rõ vấn đề Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng các nội dung liên quan đến các vấn đề tài chính của các tổ chức tín dụng được quy định trong dự thảo Luật chưa thể hiện được nguyên tắc. Bộ Tài chính đề nghị đưa các quy định mang tính ổn định và mang tính nguyên tắc ở các các nghị định về tài chính đã được Chính phủ hướng dẫn quy định về tài chính của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để quy định vào Luật. Theo đó, sẽ phải có quy định nguyên tắc về doanh thu, về chi phí, về trích lập dự phòng rủi ro, về hạch toán, kế toán, lỗ lãi, các quỹ cũng như là chế độ kế toán và kiểm toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thêm, tính đặc thù của các tổ chức tín dụng có nhiều, đối với ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước sẽ phải kết hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, cũng như các yêu cầu về tài chính quy định ở trong dự Luật này để xử lý. Những vấn đề liên quan đến thuế sẽ xác định doanh thu, chi phí, lỗ lãi ở đây cộng với các quy định về tính toán các khoản thuế, doanh thu, chi phí theo các quy định của Luật Thuế. Ngoài ra, các vấn đề về kế toán, kiểm toán thì cũng đã có Luật Kế toán, kiểm toán. Trên cơ sở kết hợp các quy định này để đưa vào đây liều lượng phù hợp và đảm bảo tính đặc thù trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định một điều để làm rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng như việc lợi dụng người có liên quan, nhờ thuê người đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng để cung ứng vốn cho doanh nghiệp sân sau, phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức tạo ra rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tín dụng; hoặc, cấm nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm, môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định. Đồng thời, có chế tài để xử lý nghiêm, đủ mạnh để răn đe những hành vi vi phạm, kể cả việc đề nghị cơ quan pháp luật xử lý theo quy định, thu giữ tài sản nếu cố tình vi phạm, cần phải thiết kế điều cấm và chi tiết hơn về những đối tượng và những hành vi bị cấm.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Cần nghiên cứu để thể chế thêm một số quy định đối với các công ty tài chính của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân, phòng, chống nạn tín dụng đen, việc lợi dụng dịch vụ thu nợ, đòi nợ thuê gây bất ổn an ninh trật tự. Cần bổ sung quy định về dự thu trong hoạt động cho vay để đảm bảo phản ánh đúng bản chất của lợi nhuận, tránh việc lợi dụng phân kỳ trả nợ gốc, rồi trả lãi không đúng bản chất khoản vay để tính dự thu.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải có một chương riêng quy định đối với tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc quy định trong luật sẽ có lợi cho ngành ngân hàng bởi “mình mà tự canh mình là rủi ro rất lớn, nhiều người canh sẽ tốt hơn”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài chính rà soát lại tất cả những điểm giao thoa giữa các luật như ngân hàng thương mại lại sở hữu công ty chứng khoán, nhưng công ty chứng khoán lại hoạt động theo Luật Chứng khoán; hay giao thoa giữa bảo hiểm mới với ngân hàng, những sản phẩm ngân hàng có tính chất đầu tư, v.v., rà soát lại hết những vấn đề này và tương tự để quy định chi tiết hơn ở phần về quản lý nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh còn cần phải góp ý thêm nhiều đối với dự án Luật này bởi đây là dự án Luật khó, phức tạp, phạm vi rộng lớn. Do đó, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng nhau chung sức làm, lắng nghe nhau cùng xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không chạy theo tiến độ, phải chất lượng, luật ban hành phải xử lý, ngăn chặn, hạn chế được những việc như sở hữu chéo, sân sau, sân trước…Nếu chưa đáp ứng được thì chưa trình. Bởi tình hình hiện nay có nhiều phức tạp, nếu làm không khéo hậu quả để lại là rất lớn, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các ngân hàng, không khắc phục được những tồn tại hiện tại mà lại còn sinh ra những việc khác nữa sẽ là điều rất đáng tiếc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết nhóm các vấn đề liên quan đến quản trị là vấn đề được quan tâm nhất. Để thực hiện được mục tiêu chỉ đạo định hướng khi sửa đổi Luật đặt ra yêu cầu giảm sở hữu chéo, giảm thao túng hoạt động ngân hàng, dự thảo Luật  đã tập trung vào các nhóm vấn đề như đưa ra các quy định về giảm sở hữu, tăng hiệu quả, hiệu lực về quản trị hoạt động hay là đưa ra các giới hạn về tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Liên quan đến quản lý nhà nước đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước tập trung quản lý về các hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hoạt động như hoạt động tiền gửi, cho vay, thanh toán, hoạt động về ngoại hối, kinh doanh vàng, v.v. Đối với các hoạt động khác mà tổ chức tín dụng thực hiện như các dịch vụ về bảo hiểm hay dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán thì dự thảo Luật thiết kế theo hướng các tổ chức tín dụng phải tuân thủ theo Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với các vấn đề kiểm toán, hạch toán, quản lý tài chính, trích lập dự phòng rủi ro, rồi lãi dự thu…, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, phát huy vai trò của các bộ, ngành đều tham gia quản lý để tăng cường được hiệu quả hơn.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường hơn nữa năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, các biện pháp quản lý, kiểm soát, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng. Đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với chính sách cụ thể, hoàn thiện báo cáo tài liệu có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án luật; thu thập, bổ sung ý kiến của các đối tượng chịu tác động đảm bảo tính toàn diện, khả thi của dự án Luật./.

Bảo Yến