HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, tham gia thẩm tra với nhiều ý kiến sâu sắc chất lượng, Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân, với hàng triệu ý kiến tham gia, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung, trong đó có tiếp thu một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội. Để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi cao của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục có một số nội dung góp ý về một số nội dung trong dự thảo luật.
Cụ thể, về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 74), khoản 9 quy định về “Làm nhà công vụ, nhà khách, nhà ở doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân”, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng việc quy định này phải được đánh giá cẩn thận về sự cần thiết để tránh việc áp dụng tùy tiện và lạm dụng để phê duyệt không đúng mục đích.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 75), Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, Luật Đất đai hiện hành quy định có 03 căn cứ để thu hồi, dự thảo mới đã tiếp thu nhiều nội dung về các điều kiện thu hồi quy định tại Điều 75. Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định rõ, chỉ thu hồi khi “trực tiếp” vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Trường hợp không “trực tiếp” thì nên thực hiện theo cơ chế “thỏa thuận”. Đây cũng là căn cứ để rà soát các dự án hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Nội dung quy định tại khoản 3 của dự thảo chưa rõ ràng, chưa xác định được dự án nào đáp ứng được tiêu chí. Dự thảo luật cơ bản chỉ nêu lên việc thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công đồng theo cách khái quát nhất, trong khi mỗi một mục tiêu lợi ích kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng (bao gồm cả công trình vui chơi giải trí, công trình chiếu sáng, công trình phục vụ tín ngưỡng,...) là khác nhau về tính chất và giá trị (xét về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và mục tiêu phát triển). Vì vậy, nên phân định rõ các loại lợi ích này để có tiếp cận chính sách và quy định xử lý vấn đề phát sinh phù hợp.
Tại điểm h khoản 1 và điểm h khoản 3, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu quy định đối với các dự án không có tính chất thương mại, hay do tư nhân là chủ đầu tư, các dự án thương mại đều thực hiện theo thoả thuận dân sự - kinh tế khi thu hồi đất. Dự thảo Luật hiện mới có các chính sách về thu hồi đất để dưỡng lão, khu nuôi dưỡng người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (điểm d khoản 2 Điều 75); thu hồi đất để làm nghĩa trang nói chung (điểm h khoản 3 Điều 75); bồi thường đối với đất nghĩa trang khi Nhà nước thu hồi đất hoặc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất làm nghĩa trang (Điều 95); giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất nghĩa trang (khoản 2 Điều 114).
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung quy định về chính sách, chế độ ưu đãi đối với đất dành riêng cho công trình ghi công liệt sĩ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng khác.
Hiện nay, dự thảo Luật quy định việc lấy ý kiến đối với nhiều nội dung về sử dụng đất nhưng chưa có quy định cụ thể về việc giải trình như thế nào, việc giải trình không được đồng ý thì xử lý như thế nào. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị quy định về trách nhiệm tiếp thu giải trình đối với các ý kiến của người dân theo hướng bổ sung quy định về công khai tiếp thu, giải trình tạo đồng thuận cao nhất trong cộng đồng, mặt khác, cũng cần có quy định dự phòng để xử lý trường hợp người dân phản đối nhưng vì mục tiêu chung, lợi ích cộng đồng mà buộc phải cưỡng chế thực hiện.
Đồng thời, cần có quy định thu hồi đất để thực hiện việc cấp đất cho đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia cũng có quy định về thực hiện cấp đất, hỗ trợ các đối tượng này ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, tuy nhiên, lại chưa có nguồn đất để thực hiện.
Đối với việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập và trách nhiệm tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư (Điều 88), Dự thảo Luật quy định “tách dự án bình thường thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật về đầu tư”. Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công chưa có quy định về việc này, nên quy định của dự thảo là chưa có cơ sở, chưa có quy định để dẫn chiếu, tạo ra kẽ hở trong việc thực thi. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có chỉnh sửa phù hợp.
Về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 153), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy để bảo đảm thống nhất theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần làm rõ điểm b khoản 1 quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã bao hàm việc miễn giảm hoặc giảm tiền sử dụng đất trong các trường hợp khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước (như quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) hay chưa? Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần quy định rõ các đối tượng được hưởng chính sách để thống nhất với Pháp lệnh. Trong trường hợp không quy định cụ thể trong Luật thì cần giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thường trực Ủy ban Xã hội
Về bảng giá đất (Điều 155), quy định giá đến từng thửa đất và áp dụng hành chính theo từng năm thì tính khả thi, hợp lý không cao, đề nghị cân nhắc có quy định đáp ứng được sự thay đổi của thị trường, đồng thời, quan tâm một số vấn đề liên quan như: giá đất của các khu vực giáp ranh; chu kỳ bảng giá đất; vai trò của của Hội đồng nhân dân về bảng giá đất.
Điểm d khoản 1 quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê khi sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, theo quy định của dự thảo Luật, cơ sở y tế tư nhân sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi này của nhà nước. Khoản 3 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa y tế tư nhân và y tế công lập, do đó để tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với cơ sở y tế tư nhân.
Ngoài ra, điểm l khoản 1 quy định “các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”: đây là nội dung lớn, quy định như dự thảo còn chung chung, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng: các trường hợp theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.