PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TRẦN THỊ HOA RY: ĐỀ NGHỊ BỘ GD&ĐT RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NHỮNG QUY ĐỊNH CHƯA PHÙ HỢP KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CTMTQG
TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CTMTQG
Báo cáo việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 từ tháng 7/2021 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai thực hiện các CTMTQG. Bộ đã thực hiện tốt việc phối hợp tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn, kế hoạch, nhiệm vụ của các Tiểu Dự án, Dự án thành phần; phối hợp tốt với địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Bộ đã tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Hà Giang, Tuyên Quang…).
Kinh phí cho giáo dục đào tạo trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp
Về kết quả triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 từ tháng 7/2021 đến nay, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nội dung thành phần với nội dung cụ thể theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tóm tắt việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 từ tháng 7/2021 đến nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chỉ tiêu, các tiêu chí lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, đánh giá, chỉ đạo, thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại một số địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình tại các địa phương theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương; Công tác thông tin và truyền thông về việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Kết quả tại địa phương, theo báo cáo của Chủ Chương trình (Bộ NN&PTNT), có 6.009 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 73,2%); 258 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 40,1%). Các tiêu chí giáo dục: Tiêu chí trường học: 6.470 xã đạt tiêu chí (82,1%); Tiêu chí giáo dục: 7.763 xã đạt tiêu chí (94,5%).
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Đặc điểm của CTMTQG xây dựng nông thôn mới là một chương trình lồng ghép, đa mục tiêu và phân cấp rất mạnh về cho cấp cơ sở, phát huy tính tự chủ và tự quyết của địa phương. Việc phân bổ nguồn lực thực hiện cho các lĩnh vực thuộc Chương trình do địa phương quyết định, tùy theo thực tế thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của địa phương. Có địa phương do ngân sách hạn hẹp nên chỉ tập trung kinh phí cho một số lĩnh vực ưu tiên khác nên đã không đủ tiền, dẫn đến trên thực tế phần đầu tư cho giáo dục đào tạo hạn hẹp, chủ yếu nhằm giúp các trường đạt chuẩn để đủ tiêu chuẩn được công nhận là xã nông thôn mới. Thậm chí có địa phương còn tồn tại tình trạng “nợ chuẩn” đối với tiêu chí về trường học.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Bên cạnh đó, ngành giáo dục đào tạo ở một số địa phương chưa thực sự tham gia vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực tài chính. Ngoài ra, rất khó tổng hợp được kinh phí cho giáo dục đào tạo trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới do không tách được kinh phí chi cho giáo dục đào tạo ra khỏi các khoản chi khác của Chương trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, công tác báo cáo của các địa phương, đơn vị còn nhiều hạn chế như không đảm bảo về số lượng, chất lượng và tiến độ báo cáo theo quy định. Do đó, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, báo cáo chung của toàn ngành.
Xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS đã hoàn thành 90% khối lượng công việc và giải ngân đạt 88,2%
Về kết quả triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN từ tháng 7/2021 đến nay, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Phổ thông Dân tộc Bán trú, tính đến thết tháng 12/2022 đã có 3 nhiệm vụ hoàn thành, 4 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Các nhiệm vụ triển khai tại Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 thực hiện hoạt động xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS đã hoàn thành 90% khối lượng công việc và giải ngân đạt 88,2%.
Nhìn chung, Bộ đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chương trình và Ủy ban Dân tộc (cơ quan chủ quản Chương trình) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai thực hiện. Hoàn thành các báo cáo theo yêu cầu của cơ quan chủ quản Chương trình có chất lượng và đúng tiến độ.
Trong điều kiện kinh phí năm 2022 được phê duyệt rất muộn, khối lượng công việc nhiều, tiến độ gấp nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch.
Bộ cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như CTMTQG dân tộc thiểu số là một Chương trình lớn, giai đoạn triển khai kéo dài gồm nhiều Tiểu dự án, Dự án (đa lĩnh vực, ngành nghề); nội dung công việc, nhiệm vụ nhiều nhưng không có biên chế riêng để triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối tại các bộ ngành và địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là khó khăn lớn để các bộ ngành và địa phương hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch, tiến độ.
Quang cảnh cuộc làm việc giữa Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện các CTMTQG
Nguồn vốn của Dự án 5.1 được giao vào thời điểm giữa năm 2022 bao gồm 2 năm 2021 và 2022 thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022. Với khối lượng công việc lớn, thực hiện trong thời gian ngắn nên công tác giải ngân gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, do khối lượng văn bản nhiều, cần ban hành để triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022; một số văn bản có tính chất quy phạm pháp luật nên trình tự ban hành kéo dài; một số nội dung hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương chưa đồng bộ… Do vậy, văn bản hướng dẫn triển khai Dự án 5.1 tại một số tỉnh còn chậm ban hành so với yêu cầu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ, một số tỉnh chưa ban hành kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ để thực hiện Dự án 5.1 cho cả giai đoạn và năm 2022 trên địa bàn. Do vậy, việc triển khai còn chậm tiến độ so với yêu cầu. Việc phân công đầu mối chủ trì Dự án 5.1 tại một số địa phương còn chưa rõ, do đó công tác hướng dẫn triển khai tại các địa phương này chưa được triển khai một cách bài bản, việc báo cáo tình hình thực hiện còn bị chậm muộn, thiếu thông tin, gây khó khăn không nhỏ trong việc điều hành triển khai…
Đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu
Từ những khó khăn, tồn tại nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các bộ ngành và địa phương để các CTMTQG đạt kết quả và mục tiêu đã được Quốc hội phê duyệt.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG. Đồng thời ban hành các Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg để có cơ sở pháp lý chặt chẽ và đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các bộ, ngành được giao chủ trì các CTMTQG, các địa phương, xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn, trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản theo quy định làm căn cứ thực hiện. Phân công rõ đơn vị chủ trì Dự án 5.1 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để làm căn cứ triển khai thực hiện. Sớm phân bổ kinh phí cho đơn vị chủ trì (bao gồm đầy đủ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của địa phương) để kịp thời triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ, kế hoạch của Dự án 5.1./.