SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ HẠN TUỔI PHỤC VỤ CAO NHẤT CỦA SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN, CÔNG NHÂN CÔNG AN

18/05/2023

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 22/5) tới đây. Một trong những điểm mới quan trọng được đề xuất sửa đổi tại dự thảo Luật lần này là quy định về tăng hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan, công nhân công an…

THÔNG BÁO TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Sửa đổi quy định hiện hành, khắc phục những bất cập 

Theo Bộ Công an, hiện nay hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an quy định tại Luật Công an nhân dân năm 2018 bảo đảm tương quan với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012 gắn với đặc thù của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng công an nhân dân nói riêng về cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù về tổ chức bộ máy của các đơn vị trong công an nhân dân.

Đến nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021); theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Do đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân với người lao động tăng lên.

 Bộ luật Lao động được coi là “Luật gốc” về tuổi nghỉ hưu của người lao động, vì vậy, trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân thì cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật Công an nhân dân và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (Nghị định số 49/2019/NĐ-CP) cho phù hợp.

Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an nhân dân ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội …

Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp.

Tăng hạn tuổi phục vụ

Để khắc phục những bất cập hiện nay, Dự án Luật đề xuất sửa đổi theo hướng: Bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.

Thời điểm tính toán tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ ngày 01/01/2021 (mốc thời gian để tính toán số tháng tăng thêm tại thời điểm bắt đầu có hiệu lực, không phải là thời điểm có hiệu lực của quy định về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất), theo đúng thời điểm có hiệu lực thi hành của Bộ luật Lao động nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

Xem xét, thông qua theo trình tự 1 kỳ họp

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã giao Bộ Công an tiến hành các công việc xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 22/5 tới đây, dự kiến gồm 02 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Điều 2. Hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ, dự thảo luật còn sửa đổi về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018 nhưng chưa cụ thể; quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân;...

Mục đích xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong công an nhân dân phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác…/.

Lê Anh