Toàn cảnh phiên họp
Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 4; tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và tại các Đoàn đại biểu Quốc hội. Báo cáo tóm tắt việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước.
Dự thảo Luật cũng đã làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Như vậy, đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát kỹ; nghiên cứu các luật và các dự thảo Luật liên quan, chỉnh lý Điều 3 nhằm bảo đảm bao quát về phạm vi điều chỉnh, tuyệt đối không tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan; tuân thủ nguyên tắc áp dụng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Quy định cụ thể các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhằm tạo sự công khai, minh bạch
Về thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường, do đó các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu. Vì vậy, để đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan dân cử nhưng vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch; chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.
Đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; thịt lợn (thịt heo); phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật và thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về định giá, qua tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung nhiều quy định về định giá của Nhà nước tại Mục 2 Chương IV nhằm bảo đảm minh bạch; có cơ chế bảo vệ người làm công tác định giá khi đã tuân thủ đúng pháp luật. Cụ thể, kết cấu lại các Điều, khoản tại Mục 2 Chương IV; đối với một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành phương pháp định giá. Đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đã bổ sung các quy định chi tiết về thẩm quyền và hình thức định giá.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Liên quan tới quy định về thẩm định giá, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Cụ thể, tổ chức thẩm định (Hội đồng thẩm định giá) phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan với nội dung tại thông báo kết quả thẩm định đưa ra, bảo đảm tuân thủ Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Kết quả thẩm định giá mang tính chất cung cấp căn cứ, thông tin, tư vấn cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định giá tài sản. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định, từng thành viên Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả thẩm định không trung thực. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung 02 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá. Quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá. Đồng thời, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá.
Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao. Đồng thời cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung về thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi. Theo đó, bổ sung mục tiêu, yêu cầu của thanh tra, kiểm tra; bổ sung quy định về kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý; bổ sung nguyên tắc về xử lý vi phạm pháp luật về giá./.