TRIỂN KHAI PHÒNG THỦ DÂN SỰ PHÙ HỢP VỚI TỪNG CẤP ĐỘ: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN, CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

25/05/2023

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là về vấn đề triển khai phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Đây là cơ sở để phân công, quy định trách nhiệm tới các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện phòng thủ dân sự.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thay mặt cơ quan thẩm tra, giải trình về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh: Việc phân định cấp độ phòng thủ dân sự để điều chỉnh thống nhất chung hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Hiện nay, quy định về cấp độ đối với các loại sự cố được quy định khác nhau ở các luật chuyên ngành có liên quan, gắn với đặc điểm, đặc thù của từng loại hình sự cố.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Do đó, dự án Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định các cấp độ chung nhất, gắn với vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền để áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp. Căn cứ vào Khoản 2 Điều 7, các cấp chính quyền đánh giá, đối chiếu với khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền và lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương để xác định và ban bố cấp độ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý; từ đó áp dụng các biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp. Như vậy, việc chính quyền địa phương ban bố cấp độ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý không chồng chéo với quy định hiện hành về công bố rủi ro thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc các rủi ro khác.

Về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, dự án Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền và phân cấp trách nhiệm giữa các cấp chính quyền; thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đây là vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục nên dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết, tránh nhiều thủ tục hành chính trong Luật.

Đóng góp ý kiến về vấn đề triển khai phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Dự án Luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự là "sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự".

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mà các luật khác chưa quy định. Đây là cơ sở để phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh và trung ương, nhằm phát huy phương châm “4 tại chỗ” của địa phương, nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả với sự cố, thảm họa xảy ra trên phạm vi địa bàn quản lý. Thực tế trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, rất cần phải có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp tình hình thực tiễn.

Trong dự thảo Luật quy định các cấp chính quyền được áp dụng các biện pháp nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả các loại hình thảm họa trong phạm vi quản lý khi mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách thuộc các bộ, ngành và địa phương.

Quy định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự

Đóng góp ý kiến về quyền áp dụng các biện pháp trong phòng thủ dân sự cấp độ 2, cấp độ 3, quy định tại Điều 24, Điều 25, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: Tại khoản 7 Điều 25 của dự thảo Luật quy định "Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm dừng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến".

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu bổ sung vào Điều 24 thêm một khoản quy định cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được quyết định áp dụng biện pháp này trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 để khi có sự cố xảy ra trên phạm vi địa bàn một tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyền quyết định tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.

Liên quan đến trách nhiệm trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, đại biểu Lê Hoàng Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, quy định tại dự thảo Luật cũng đặt vấn đề xác định trách nhiệm trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, như điểm e khoản 2 Điều 12 quy định khi xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự phải xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Lê Hoàng Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Tại khoản 1 Điều 7 cũng quy định cấp độ phòng thủ dân sự được coi là căn cứ để xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự. Ngay như tên của Chương VI đã được chỉnh lý, đổi tên thành trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phòng thủ dân sự. Do đó, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị thể hiện tại phạm vi điều chỉnh như sau: "Luật này quy định nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự”.

Làm rõ về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định: Dự án Luật Phòng thủ dân sự sau khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp sẽ được tiếp thu thấu đáo các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua. Việc xác định cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương trong tình trạng khẩn cấp hay trong tình trạng có chiến tranh đều thực hiện giải quyết vấn đề phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang làm rõ ý kiến của các đại biểu nêu.

Với lý lẽ trên, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, công tác phòng thủ dân sự phải có sự chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết cần giải quyết ngay của đất nước./.

Bích Lan