HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.
Tham gia thẩm tra dự án luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, về mối quan hệ với Luật Thanh tra, điểm a khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật quy định “Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên
Trong Luật Thanh tra chỉ có khái niệm “báo cáo kết quả thanh tra” (là văn bản của Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra sau khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp) và “kết luận thanh tra” (là văn bản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ký ban hành để đánh giá, kết luận và kiến nghị về nội dung đã thanh tra).
Theo quy định tại Điều 79 của Luật Thanh tra thì chỉ có “kết luận thanh tra” mới được công khai theo nhiều hình thức khác nhau; còn “báo cáo kết quả thanh tra” là văn bản nội bộ của Đoàn thanh tra báo cáo với Trưởng đoàn nên không có quy định về việc công khai tài liệu này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa lại cụm từ “kết quả thanh tra” thành kết luận thanh tra.
Về mối quan hệ với các luật về thuế, các đại biểu cho biết, khoản 3 Điều 155 của dự thảo Luật quy định bảng giá đất được áp dụng để tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Theo quy định này, trong mọi trường hợp, thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đều được tính trên cơ sở bảng giá đất. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì căn cứ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản là thu nhập chịu thuế và thuế suất; thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Vì vậy, các đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại điểm d khoản 3 Điều 155 như sau: “d) Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp giá chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn giá trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành”. Việc quy định như trên bảo đảm thống nhất với pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, đồng thời không làm thất thoát tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước của hộ gia đình, cá nhân.
Về mối quan hệ với Luật Thi hành án dân sự, điểm c khoản 1 Điều 46 của dự thảo Luật quy định quyền sử dụng đất không bị kê biên là một trong các điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 69 của Luật Thi hành án dân sự thì trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.
Các đại biểu tại phiên họp
Theo đó, khi Chấp hành viên đã ra quyết định thì mọi giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất đều bị tạm dừng. Đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm bảo đảm thi hành án. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung điểm c như sau “c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự”.
Tương tự, các đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm e khoản 1 Điều 147 của dự thảo Luật là “e) Đất đang có tranh chấp, đang được bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự” là một trong các trường hợp người sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận.
Cùng quan tâm đến dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, về giao đất có thu tiền sử dụng đất (Điều 115) và cho thuê đất (Điều 116), dự thảo luật đã quy định cơ bản bao quát các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo đối tượng sử dụng đất và mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, một số trường hợp “đất sử dụng đa mục đích” quy định tại Điều 212 của Dự thảo luật mà không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng thì chưa rõ phải thực hiện theo hình thức giao đất hay cho thuê đất. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát và có quy định cụ thể để bảo đảm trong tổ chức thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, việc tính tiền thuê đất theo đời dự án sẽ khuyến khích nhà đầu tư tính toán hiệu quả và đầu tư theo cả đời dự án. Nếu mở rộng hình thức thuê đất hằng năm sẽ không khuyến khích đầu tư. Về điều kiện kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 118), điểm b khoản 4 Điều 118 quy định một trong các điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại là “có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở”.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, trường hợp đã có “quyền sử dụng đất ở” thì khi thực hiện dự án nhà ở thương mại không phải chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, các đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “có quyền sử dụng đất ở hoặc” tại điểm b khoản 4 Điều 118 của Dự thảo Luật.