THẢO LUẬN TỔ 6: ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP “GỠ BÍ” CHO DOANH NGHIỆP

25/05/2023

Sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

HÌNH ẢNH ĐOÀN ĐBQH CÁC TỈNH/THÀNH TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ CỦA QUỐC HỘI CHIỀU 24/5

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Tổ 6 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Đắk Nông, Trà Vinh.

Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như các nội dung của báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, các báo cáo này đã đánh giá sâu sắc, chân thực tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Theo các đại biểu, báo cáo cũng đã thể hiện rõ những khó khăn, thách thức do tác động từ tình thế giới, hậu quả kéo dài của dịch bệnh Covid-19 để lại còn tương đối nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã năng động, sáng tạo, điều hành kiên quyết, linh hoạt với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, giúp đất nước vượt qua được những khó khăn, thách thức, từng bước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định, đời sống nhân dân được đảm bảo, cử tri, nhân dân cả nước rất tin tưởng vào sự lãnh đạo điều hành của Nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho biết, tình hình phát triển kinh tế, xã hội còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, việc sản xuất kinh doanh, đặc biệt là là công nghiệp, thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, ở nhiều lĩnh vực, khu vực đang có chỉ số phát triển âm. Đây là tình trạng đáng quan tâm và cần có giải pháp kịp thời để khắc phục.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm qua cũng như những tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, việc giải ngân vốn đầu tư công tương đối chậm, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người công nhân bị mất việc làm, giảm thu nhập. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị đình đốn, hoạt động kinh doanh sản xuất ở các nhà hàng, các điểm du lịch còn gặp nhiều thách thức.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu cho rằng, một trong những lý do là bởi hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng nhà ở, quy hoạch có không ít mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, dẫn đến rất khó khăn trong việc áp dụng thực thi hiệu quả trong thực tiễn. Chính việc chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong một số quy định đã dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đùn đẩy công việc, không dám chịu trách nhiệm, không dám quyết định, tạo khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những giá cả nguyên liệu đầu vào biến động tăng cao gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Để khắc phục những bất cập này, đại biểu đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong việc giải ngân vốn đầu tư, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Đại biểu Bùi Minh Châu- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ điều hành nội dung thảo luận

Tham gia ý kiến tại phiên họp, có ý kiến đại biểu phản ánh, hiện nay thị trường ô tô thế giới cũng như khu vực đang có những thay đổi rất mạnh mẽ, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng ô tô sản xuất lắp ráp nội địa. Khối doanh nghiệp này cũng lúng túng trong việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ và tiếp cận những ưu đãi đến từ nhà nước. Các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ cho ngành lắp ráp sản xuất ô tô trong nước hiện nay.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Ngô Thanh Danh– Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần thiết phải thực thi nhiều biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó cần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục.

Đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, đảm bảo ứng phó được với những biến động khó lường của tình hình quốc tế. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu phát triển tình hình mới, giải quyết căn cơ tình trạng sợ trách nhiệm, sợ đưa ra quyết định, tháo gỡ vấn đề cốt lõi là những chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã đình đốn sản xuất, ngoài yếu tố thị trường còn có nguyên nhân do các quy định của pháp luật tác động làm hạn chế việc phát triển của các doanh nghiệp. Cụ thể, các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đã tạo ra cản trở cho việc ổn định sản xuất của các doanh nghiệp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí phòng cháy chữa cháy để tiếp tục vận hành sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp

Đại biểu cho biết, về vấn đề này, các Hiệp hội doanh nghiệp đã có ý kiến gửi tới cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo mạnh mẽ để tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay đây vẫn là một khúc mắc chưa giải quyết triệt để, khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thể cung ứng mặt hàng, dịch vụ trở lại. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan ban hành các quy chuẩn phù hợp điều kiện cụ thể của từng loại hình sản xuất, kinh doanh, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong vấn đề này.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng đội ngũ tham gia thẩm duyệt, xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy còn mỏng, ko đáp ứng được nhu cầu thực tế, nên cần nghiên cứu, tính toán tổ chức lực lượng tham gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước phù hợp đảm bảo rộng rãi, khách quan để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tại phiên họp

Đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp

Đại biểu Ngô Thanh Danh– Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị kịp thời tháo gỡ những rào cản vướng mắc trong các quy định về phòng cháy chữa cháy sao cho phù hợp với từng loại hình kinh doanh, sản xuất

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh