BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG: CHỦ ĐỘNG NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM
Kiên trì xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó nền tảng của nhà nước pháp quyền chính là Hiến pháp và một hệ thống pháp luật dân chủ và công bằng. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Một trong những hành động thể hiện rõ nét quyết tâm chính trị đó là năm 2005, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” được ban hành, trong đó xác định xây dựng toàn diện hệ thống pháp luật với 6 định hướng lớn.
Vậy mà đâu đó vẫn có những quan điểm, tiếng nói phiến diện, lạc lõng, cho rằng: về kinh tế chúng ta đã đổi mới theo hướng chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng về chính trị thì vẫn bảo thủ, trì trệ. Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc nhiều bộ luật mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua, với mục tiêu xuyên tạc bản chất của chế độ, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề mới trên lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia nói chung, an ninh mạng và an ninh tư tưởng chính trị nói riêng, cần được nhận thức đầy đủ.
Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được Hiến pháp 2013 hiến định, bộ máy nhà nước được tổ chức theo hướng phân công, phối hợp và kiểm soát để thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp một cách thống nhất, trong đó quyền lập pháp được giao cho Quốc hội, quyền hành pháp được giao cho Chính phủ và quyền tư pháp được giao cho Tòa án để tổ chức thực hiện.
Quốc hội là cơ quan thực hiện dân chủ đại diện cao nhất của Nhân dân.
Quyền lập pháp (bao gồm cả quyền lập hiến) được giao cho Quốc hội xuất phát từ vị trí đặc biệt của Quốc hội trong cấu trúc quyền lực nhà nước. Bởi Quốc hội là cơ quan thực hiện dân chủ đại diện cao nhất của Nhân dân. So với cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước Việt Nam, Quốc hội với vai trò là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, Quốc hội là đại biểu cao nhất cho cử tri thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội vừa là đại biểu của các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các vùng lãnh thổ, vừa là đại biểu của cả nước, thể hiện khối đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ lợi ích của dân tộc và đất nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội do Nhân dân cả nước bầu ra, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực của Nhân dân trong phạm vi được ủy quyền theo Hiến định. Mọi quyết định của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lực của Nhân dân không chỉ do Nhân dân ủy quyền mà còn nhân danh Nhân dân-chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí của Nhân dân và vì quyền, lợi ích của người dân. Về thực chất tính tối cao của quyền lực Quốc hội xuất phát từ quyền chủ thể tối cao của Nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Với vị trí đặc biệt như vậy, hoạt động lập pháp của Quốc hội chính là xuất phát từ ý chí, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, không thể có chuyện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành lại đi ngược lợi ích của Nhân dân.
Quy trình lập pháp công khai, minh bạch, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Quy trình ban hành pháp luật của Nhà nước Việt Nam cũng được thực hiện chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, tuân thủ các quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội dành nhiều thời gian để thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Nhân dân, các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Để phục vụ cho công tác này thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng dự án luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp Quốc hội, thường xuyên cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh. Giữa hai kỳ họp, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Ý kiến của đại biểu Quốc hội là cơ sở quan trọng, mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật.
Với quy trình này, Quốc hội kiểm soát toàn bộ hoạt động lập pháp, từ khâu xây dựng chương trình, trình dự án, lấy ý kiến góp ý, thẩm tra, chỉnh lý và thông qua luật. Quy trình xây dựng luật ở Việt Nam cũng tương đồng và phù hợp với quy trình xây dựng luật của nhiều quốc gia trên thế giới.
Định hướng lớn trong quá trình xây dựng luật mà Quốc hội Việt Nam luôn hướng tới, đó là xây dựng pháp luật Việt Nam vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, Nhân dân; Các bộ luật, luật, nghị quyết được ban hành phải tương thích với luật pháp quốc tế - tương thích với quốc tế nhưng phải đảm bảo lợi ích của đất nước và đảm bảo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại nghị trường Quốc hội, khi thảo luận xây dựng luật cũng như hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, có các ý kiến khác nhau của đại biểu được nêu lên, được đưa ra thảo luận, tranh luận nhằm tìm ra phương án tối ưu. Thế nhưng các đối tượng thù địch lại lợi dụng điều này để cố tình xuyên tạc, bóp méo, kích động, hoặc trích dẫn không đầy đủ phát biểu của đại biểu để gây hiểu lầm, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đối với những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, cho rằng các văn bản luật của chúng ta chưa làm đã thay đổi, chưa làm đã sai và thiếu dân chủ, thậm chí có đối tượng còn cho rằng chỉ cần lấy nguyên luật pháp của quốc tế về áp dụng ở Việt Nam. Đây là những quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi chúng ta là người Việt Nam, chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện đất nước Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước, của Nhân dân và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật là dân chủ, công bằng, văn minh.
Trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất ưu việt của những vấn đề được đặt ra khi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động lập pháp cần tiếp tục tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền lập hiến tiên tiến và nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, nhận diện và cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc để chủ động phòng tránh, không để bị tác động, gây hoang mang tư tưởng hoặc thay đổi nhận thức chính trị vì những luận điệu sai trái, thù địch.
Với tư cách là công dân Việt Nam, cũng là người có nhiều năm tham gia công tác lập pháp, ông Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý, trong khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, mỗi đại biểu cần phát biểu trên tinh thần xây dựng, đúng với chủ trương, đường lối, đúng với tinh thần xây dựng luật pháp, xuất phát từ ý chí nguyện vọng của Nhân dân; đặc biệt không thể hiện tư tưởng cục bộ, cá nhân nếu không sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, thêm mắm, thêm muối để lợi dụng, thực hiện Chiến lược “diễn biến hòa bình”.
“Muốn chống lại những luận điệu sai lệch của những kẻ thù địch chống phá thì trước tiên chúng ta phải trong sạch và vững mạnh, dân chủ và thể hiện được ý chí nguyện vọng của người dân. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cán bộ trong hành pháp, tư pháp phải thực sự khách quan, tuân thủ tôn chỉ của đảng đó là Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân vậy trong hành động, lời nói, lối sống của mình đều thể hiện không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân”. Nếu mỗi đảng viên, mỗi đại biểu Quốc hội mỗi cán bộ quán triệt tinh thần đó thì tôi tin rằng các thế lực muốn thực hiện Chiến lược “diễn biến hòa bình” trong hoạt động lập pháp cũng thất bại”, ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động chống đối, chống phá Nhà nước nói chung và hoạt động lập pháp nói riêng đang và sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức tinh vi hơn, nên cần chủ động nhận diện âm mưu, ý đồ chống phá. Trong hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động lập pháp hiện nay hội nhập rất sâu rộng, nên việc lắng nghe, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền lập pháp tiên tiến và nền kinh tế phát triển sẽ giúp nâng cao chất lượng lập pháp ở Việt Nam.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII lưu ý, các thông tin góp ý từ mạng xã hội cũng là nguồn tham khảo hữu ích nhưng cần nhận thức được đâu là thông tin, ý kiến góp ý chính đáng, mang tính xây dựng và nhận diện những kiến chống phá, xuyên tạc để chủ động đấu tranh phản bác. Trách nhiệm nặng nề này được đặt lên vai của cơ quan tham gia xây dựng luật, Đoàn đại biểu Quốc hội và mỗi đại biểu quốc hội.
Có thể nói hệ thống pháp luật Việt Nam kể từ thời điểm đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã phát triển không ngừng và còn tiếp tục được hoàn thiện. Xây dựng pháp luật luôn là nội dung quan trọng trong các kỳ họp Quốc hội, bởi hoạt động này chiếm khoảng 50% thời lượng của kỳ họp. Nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật.
Pháp luật của Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể bảo đảm cho mọi công dân được tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều chiều, công khai, chủ động tham gia góp ý kiến trong các giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật; đồng thời, các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng pháp luật cũng luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản hồi ý kiến của người dân công khai minh bạch. Nhưng với nhiều thủ đoạn tinh vi, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục gia tăng chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước. Vì vậy, chủ động nhận diện và đấu tranh với Chiến lược “diễn biến hòa bình” trong hoạt động lập pháp cần được đề cao, nhất là người làm công tác lập pháp và mỗi người dân, nhằm bảo vệ thành quả quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung./.