HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.
Cân nhắc quy định về tranh chấp địa giới đơn vị hành chính
Tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, về địa giới hành chính, việc sử dụng cụm từ “địa giới hành chính” tại tên chương, tên mục, tên điều và nội dung tại Điều 50 của dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất sử dụng thuật ngữ “địa giới đơn vị hành chính” trong Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, các đại biểu đề nghị tiếp tục kế thừa và sử dụng thống nhất cụm từ “địa giới đơn vị hành chính” trong dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên
Về việc quy định về tranh chấp địa giới hành chính, các đại biểu đề nghị lưu ý thêm ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật tại Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) số 1209/BC-UBPL15 ngày 12/10/2022. Theo đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không tiếp tục quy định về tranh chấp địa giới đơn vị hành chính trong dự thảo Luật vì một số lý do chính là: Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trước hết là để phục vụ các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, phụ thuộc vào nhu cầu và thực tiễn phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng... của địa phương. Việc quyết định phân chia các đơn vị hành chính hoàn toàn là quyết định có tính mệnh lệnh hành chính.
Theo các đại biểu, vấn đề tranh chấp trong lĩnh vực đất đai chỉ nên được đặt ra giữa các chủ thể có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, còn trường hợp có vướng mắc, bất cập trong việc xác định đường địa giới giữa các đơn vị hành chính thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần bàn bạc, thống nhất trên cơ sở các quy định của pháp luật và thực địa để xác định rõ ràng, chính xác chứ không nên coi đây là nội dung tranh chấp giữa các địa phương.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, rõ ràng của các nội dung về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính từ trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, tính đến năm 2021, dưới sự chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan đã hoàn thành việc xác định địa giới hành chính cấp tỉnh, cắm mốc địa giới, lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa cho 15/16 khu vực được coi là có tranh chấp do lịch sử để lại theo 07 Nghị quyết của Chính phủ. Những trường hợp này thực chất là do một số đơn vị hành chính giáp ranh, liền kề có chồng lấn về diện tích, địa bàn hoặc trách nhiệm quản lý hành chính đã phát sinh từ lâu do yếu tố lịch sử chứ không phải là các tranh chấp về đường địa giới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua đã đề ra các yêu cầu hết sức cụ thể, rõ ràng về tính chính xác của các bản đồ, số liệu trong các Nghị quyết về thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Hiện tại, Chính phủ cũng đang thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (viết tắt là Dự án 513). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về sự cần thiết trên các phương diện lý luận, thực tiễn và yếu tố chính trị của việc quy định về tranh chấp địa giới đơn vị hành chính.
Trường hợp dự thảo Luật tiếp tục quy định vấn đề này thì đề nghị bỏ quy định Bộ Nội vụ quy định giải quyết tranh chấp địa giới hành chính các cấp tại khoản 6 Điều 50 để thống nhất với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 4, khoản 5 Điều 50 và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ. Việc giải quyết tranh chấp sẽ do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự trong Nội quy kỳ họp Quốc hội và Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bảo đảm minh bạch, thống nhất trong cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất
Cùng tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, về Tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 111), dự thảo Luật quy định “Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập ở cấp tỉnh hoặc cấp huyện để phục vụ công tác phát triển quỹ đất tại địa phương”(khoản 1).
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là trách nhiệm của Nhà nước, nếu giao cho doanh nghiệp thực hiện sẽ không tránh khỏi tâm lý thiếu quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền địa phương. Mặt khác công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đòi hỏi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải làm việc trực tiếp với người dân có đất bị thu hồi, nếu quy định thành lập theo mô hình doanh nghiệp để đứng ra thực hiện, người dân có đất thu hồi sẽ hiểu là nhiệm vụ của doanh nghiệp nên có thể dẫn đến thiếu hợp tác hoặc có những đòi hỏi không hợp lý, rất khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bỏ quy định “Tổ chức phát triển quỹ đất theo mô hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn
Cùng với đó, Khoản 3, 4, 5, 6 Điều 111 về cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, kết cấu của các khoản này còn trùng lặp, chưa hợp lý, rõ ràng, thống nhất. Cụ thể, khoản 3 và 5 Điều 111 đều quy định về kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất vừa được thực hiện theo phát luật về tài chính đối với các sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; vừa được sử dụng từ Quỹ phát triển đất hoặc do Ngân sách Nhà nước đảm bảo. Việc quy định như khoản 3 và 5 như trên là trùng lắp, không rõ ràng. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần thể hiện lại để bảo đảm minh bạch, thống nhất, dễ hiểu.
Khoản 4 Điều 111 quy định: “Chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo quỹ đất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; định giá đất; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý quỹ đất sau tạo lập được khấu trừ vào tiền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước”: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước: “Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước”.
Tiền sử dụng đất là khoản thu của ngân sách nhà nước, đề nghị không quy định các khoản chi phí trên được khấu trừ vào tiền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước mà khoản chi phí này sẽ được cấp có thẩm quyền bố trí dự toán phù hợp, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, góp phần bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.