SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG ĐỂ HÌNH THÀNH HẠ TẦNG PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ

01/06/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trước đó, cho ý kiến về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi luật này là cần thiết để hình thành hạ tầng cho nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Dự án Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, Điều 55 của dự thảo Luật quy định hệ thống tiêu chuẩn viễn thông bao gồm tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở đối với thiết bị viễn thông, kết nối viễn thông, công trình viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông được công bố, áp dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật viễn thông bao gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị viễn thông, kết nối viễn thông, công trình viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông được xây dựng, ban hành tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Quang cảnh phiên họp

Đối với quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, Điều 56 của dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân trước khi đưa thiết bị viễn thông thuộc Danh mục thiết bị viễn thông có khả năng gây mất an toàn vào lưu thông trên thị trường hoặc kết nối vào mạng viễn thông công cộng phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy. Doanh nghiệp viễn thông trước khi đưa các thiết bị mạng thuộc Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc kiểm định vào hoạt động phải thực hiện việc kiểm định.

Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm công bố, kiểm tra, kiểm soát chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục mạng và dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng. Việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ được thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; giữa tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam với tổ chức đánh giá sự phù hợp của quốc gia, vùng lãnh thổ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên. Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về viễn thông sau khi thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị viễn thông, mạng và dịch vụ viễn thông; Thực hiện quản lý chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông; Ban hành Danh mục thiết bị viễn thông có khả năng gây mất an toàn, Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc kiểm định, Danh mục mạng và dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng; Quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông phục vụ yêu cầu quản lý chất lượng thiết bị, mạng và dịch vụ viễn thông.

Đối với nội dung quản lý thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM thuê bao di động, Điều 62 của dự thảo Luật quy định, thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động là thẻ do doanh nghiệp viễn thông phát hành để người sử dụng nạp giá trị vào tài khoản SIM thuê bao di động của chính doanh nghiệp viễn thông đó. Tài khoản SIM thuê bao di động là tài khoản phản ánh giá trị người sử dụng đã nạp bằng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông hoặc bằng phương tiện thanh toán hợp pháp (không bao gồm khuyến mại); được ghi nhận trong hệ thống tính cước của doanh nghiệp viễn thông, gắn với thuê bao viễn thông. Tài khoản SIM thuê bao di động đươc dùng để thanh toán cho dịch vụ viễn thông di động, gói dịch vụ viễn thông di động và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định pháp luật liên quan. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM thuê bao di động.

Tham gia ý kiến về những nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây và ứng dụng Internet trong viễn thông (OTT- Over The Top) vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Một số dịch vụ hoạt động trên nền tảng viễn thông tuy mới xuất hiện nhưng cũng cần có pháp luật điều chỉnh ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Thí dụ, qua nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, khái niệm mạng viễn thông và cơ sở hạ tầng viễn thông có nội hàm rộng. Ngoài thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, công trình viễn thông còn có thêm thành phần lưu trữ, thành phần hạ tầng công nghệ thông tin. Do đó, việc đưa trung tâm dữ liệu trở thành một cấu phần của cơ sở hạ tầng viễn thông là phù hợp với xu thế, cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng viễn thông trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo. Đồng thời, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với 03 loại dịch vụ mới nêu trên theo hướng mở, mang tính nguyên tắc để phù hợp với xu thế thay đổi của các dịch vụ mới và thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các dịch vụ mới này.

Các đại biểu tại phiên họp

Về quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá cước viễn thông (Chương VII), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy các quy định (Điều 55 và Điều 56) về Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông về cơ bản giữ nguyên như Luật Viễn thông năm 2009 và phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao quát được lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, các luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn, luật về chất lượng hàng hóa đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, do đó đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể hiện trong dự thảo Luật cho phù hợp.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng về hồ sơ tài liệu, cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sau Phiên họp chuyên đề pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đồng tình với nhiều nội dung thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội với nhiều đánh giá sâu sắc, trong đó nêu nhiều nội dung tiếp tục cần nghiên cứu.

Góp ý vào một số nội dung của dự thảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đối với lĩnh vực viễn thông, hoạt động hợp tác quốc tế rất quan trọng nhưng ban soạn thảo không thiết kế một Điều hoặc Chương nào về hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị bổ sung cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ về viễn thông tại Điều 69, Điều 70.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới bày tỏ, cơ bản thống nhất tờ trình Chính phủ và báo cáo thẩm tra, ghi nhận dự thảo luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp. 

Về sự phù hợp trong hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết vừa qua Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra Luật Căn cước công dân. Qua đó cho thấy 2 luật này gặp nhau ở tầm nhìn về xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử, có những nội dung về kĩ thuật số cần được thống nhất như lưu trữ thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia. Vấn đề như kho số có đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không? Đề nghị Ban soạn thảo của 2 Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo 2 luật cần có trao đổi, thống nhất giữa 2 luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Về là bí mật thông tin tại Điều 6 dự thảo Luật, cơ bản tán thành với nội dung chính Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần phải bổ sung trường hợp doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu do chính phủ là quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao. 

Về chia sẻ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định là đối với cơ quan điều tra khi đã khởi tố điều tra thì sẽ phải cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, Nhưng tại điều 13 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp mà việc cung cấp thông tin mà trang phục vụ cho điều tra phục vụ cho công tác an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra hoặc là giải quyết những vấn đề về an ninh trật tự. Do đó, đề nghị cần quy định theo Luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng đề nghị trong Luật quy định việc lưu trữ với đầy đủ chính xác thì thông tin cá nhân và tổ chức sử dụng dịch vụ viễn thông để cho phục vụ lâu dài.

Cơ bản đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cơ bản đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh 3 lĩnh vực của dự án Luật này: trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT- Over The Top). Đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý đối với 3 dịch vụ mới này thì cần lưu ý quan tâm đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp có tăng lên hay không, có tác động ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp? Đồng thời cần nghiên cứu tính minh định của dự án Luật này với Luật Công nghệ thông tin để làm rõ phạm vi. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật còn định tính, thiếu yếu tố định lượng và nêu dẫn chứng tại khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật, cho rằng quy định này còn chung chung. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi nào, điều kiện, hoàn cảnh như thế nào thì doanh nghiệp cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, giám sát. Nếu không quy định cụ thể thì trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ rất vướng như có thể lạm quyền, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

So sánh với các quy định của Luật Thương mại và Luật Canh tranh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần nghiên cứu làm rõ hơn quy định tại khoản 1 Điều 18 của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) để xác định lĩnh vực doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo sự thống nhất với các Luật nêu trên và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Minh Hùng