XÂY DỰNG LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG TIẾP CẬN NHÀ LƯU TRÚ ĐỂ PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

08/06/2023

Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đóng góp ý kiến đối với dự luật, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đang giới hạn nhà lưu trú cho công nhân nhưng trên thực tế, còn nhiều đối tượng cũng có nhu cầu sử dụng nhà lưu trú. Do đó đề nghị mở rộng thêm đối tượng được tiếp cận loại hình nhà ở xã hội này trong thời gian làm việc, học tập, công tác.

THẢO LUẬN TỔ 15: GIẢI QUYẾT CĂN CƠ NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VỀ NHÀ Ở

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Mở rộng đối tượng được tiếp cận nhà lưu trú

Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này.". Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cơ quan soạn thảo cân nhắc việc chỉ được xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Theo đó, đối với những khu công nghiệp đã hình thành, không còn quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú, nếu quy định cứng như trong dự thảo sẽ gây khó trên thực tế. Do đó, đại biểu cho rằng có thể quy định bố trí, xây nhà lưu trú cho công nhân trong bán kính nhất định xung quanh khu công nghiệp để có độ mở cao hơn, và hiệu quả hơn khi triển khai trong thực tế.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 90 về điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân quy định, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó và phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng quy định tại luật này. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, quy định như trên là chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trong việc chủ động bố trí chỗ ở cho công nhân và làm mất tính chủ động của các doanh nghiệp. Khi đầu tư, xây dựng nhà máy, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, trong đó có dự kiến số lượng công nhân cụ thể. Chính vì vậy, không cần thiết quy định cứng trong dự thảo Luật hoặc có thể không quy định nội dung này để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đánh giá cao Chính phủ đã bổ sung khái niệm nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật như một loại hình nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho công nhân các khu công nghiệp có chỗ ở. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng khái niệm nhà lưu trú công nhân chỉ được giới hạn trong các khu công nghiệp là không phù hợp. Trên thực tế, các khu công nghiệp đã được quy hoạch và xây dựng trong giai đoạn trước đây nhưng đến nay có thể còn thiếu quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Theo đại biểu, Luật nên mở rộng theo hướng Ban Quản lý khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể thuê đất kinh doanh dịch vụ ở gần các khu công nghiệp để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê hoặc mở rộng ra các đối tượng.

Đưa ra ví dụ cho quan điểm trên, đại biểu Đỗ Đức Duy chia sẻ, có nhiều nhà máy, nhiều dự án sản xuất công nghiệp không nằm trong khu công nghiệp, không nằm trong cụm công nghiệp nhưng có nhiều công nhân có nhu cầu nhà ở. Đơn cử, các dự án sản xuất xi măng thường gắn với vùng nguyên liệu hay dự án thủy điện, dự án nhà máy may ở khu vực nông thôn có nhiều công nhân và công nhân cũng có nhu cầu có chỗ ở. Nếu quy định cứng trong khu công nghiệp thì những trường hợp này sẽ không được điều chỉnh và không có điều kiện, cũng không đủ cơ sở pháp lý để phát triển loại hình nhà ở này.

Cùng với đó, hiện nay trong dự thảo Luật giới hạn nhà lưu trú cho công nhân nhưng trong thực tế còn nhiều đối tượng cũng có nhu cầu sử dụng nhà lưu trú. Ví dụ như giáo viên các trường vùng cao; viên chức y tế công tác ở những địa bàn xa khu đô thị hay học sinh các trường nội trú, bán trú; sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trong dự thảo Luật, những đối tượng này được tiếp cận nhà ở xã hội phát triển theo các dự án dưới hình thức mua, thuê mua hoặc thuê. Nhưng trên thực tế, rất nhiều trường hợp các đối tượng trên ở nhà lưu trú không phải thuê, không phải thuê mua, cũng không phải mua mà chỉ ở trong thời gian học tập, công tác. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng thêm đối tượng nhà ở lưu trú, không chỉ cho công nhân thuê mà bao gồm cho cả giáo viên, viên chức y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh được tiếp cận loại hình nhà ở xã hội này trong thời gian làm việc, học tập, công tác.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Quan tâm tới chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, điểm b khoản 1 Điều 175 quy định điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đối với đối tượng là công nhân, người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở các khu công nghiệp. Đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Theo đại biểu, có những trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng không đủ điều kiện để mua nhà, đặc biệt là những người sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, nếu quy định như trong dự thảo Luật, những đối tượng này sẽ rất khó khăn để có nhà. Do đó, đại biểu tỉnh Ninh Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét mở rộng phạm vi về thu nhập cũng như đối tượng được mua nhà ở xã hội để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.

Ths.Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản

Quy định loại hình cơ sở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp không đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học

Ở một góc nhìn khác, Ths.Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản chia sẻ, nếu như Luật Nhà ở năm 2014 chỉ quy định chung một loại hình nhà ở xã hội thì dự thảo Luật đã phân tách thành ba loại hình khác nhau theo ba nhóm đối tượng thụ hưởng, gồm nhà ở xã hội (hướng đến người thu nhập thấp); nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Theo chuyên gia, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn bùng dịch COVID-19. Bởi vậy, dự thảo đã dành riêng Mục 3 Chương VI (từ Điều 88 đến Điều 97) để quy định về nhà lưu trú công nhân.

Theo Điều 3 dự thảo Luật, “Nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động, chuyên gia thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này”. Ngoài nhà lưu trú thì diện tích này còn để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động. Như vậy, nhà lưu trú công nhân theo dự thảo Luật là đồng nhất với loại hình “cơ sở lưu trú” theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo Nghị định trên, cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp; bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự; không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh chỉ ra rằng, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP chỉ quy định về “Cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp” và đây khó có thể coi là một hình thức nhà ở xã hội. Cơ sở lưu trú chỉ là một hình thức “ký túc xá” cho công nhân trong thời gian ngắn, phục vụ nhu cầu tạm thời mà không đáp ứng được nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của hộ gia đình như nhà ở xã hội. Ngoài ra, theo Luật Cư trú năm 2020, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Như vậy “lưu trú” có tính chất kém ổn định hơn nhiều so với ở.

Ths.Nguyễn Văn Đỉnh nhấn mạnh, việc quy định loại hình cơ sở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp trong Luật Nhà ở là không đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học. Về nguyên tắc, nhà ở xã hội hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải xây dựng trên đất ở; công trình trên đất dịch vụ, trong khu công nghiệp không thể coi là nhà ở./.

Minh Thành

Các bài viết khác