Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ngài Daniel Caspary, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (EP)
Cùng dự có Tổng Thư ký Quốc hôi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - EU; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - EU; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; đại diện lãnh đạo Vụ Châu Âu (Bộ Ngoại giao), Vụ Đối ngoại (Văn phòng Quốc hội)…
Liên minh châu Âu (EU) - đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Hoan nghênh kết quả hội đàm giữa Đoàn với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trên tất cả các kênh Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả tích cực, quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - EU, cũng như giữa Việt Nam với các nước thành viên, trên các trụ cột: Chính trị, ngoại giao; Kinh tế - thương mại - đầu tư; Nông - lâm - ngư nghiệp; Hợp tác quốc phòng - an ninh; Hợp tác phát triển; Đối thoại nhân quyền. Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN - EU, Việt Nam và Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong tiến trình này.
Nêu khái quát tình hình kinh tế của Việt Nam với Đoàn Nghị sỹ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2022, GDP của Việt Nam vươn lên đứng top 38 trên thế giới, về sức mua còn có quy mô lớn hơn. Về tỉ lệ nghèo đói của Việt Nam theo tiêu chuẩn đa chiều của Liên Hợp quốc chỉ còn 2,54%, Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là mức rất thấp và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tỉ lệ nghèo này. Về xuất nhập khẩu, Việt Nam là một trong 20 nước nổi lên có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 735 tỷ USD, riêng xuất khẩu nông sản, hàng hóa đạt khoảng 13 tỷ USD, năm nay (2023) phấn đấu tăng thêm 10% kim ngạch đó.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam là một trong những nước được Liên Hợp quốc đánh giá là thu hút thành công nhất về FDI với khoảng 440 tỷ USD ký về đầu tư, trong đó có nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu có số vốn đầu tư vào Việt Nam khá lớn. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, nhiều nhà đầu tư của Châu Âu đã rất thành công tại Việt Nam và EuroCham là một đối tác thường xuyên, tin cậy đối với Chính phủ cũng như Quốc hội Việt Nam.
Mong muốn Nghị viện Châu Âu hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ trong thực hiện quan hệ Đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng
Nhấn mạnh Việt Nam tiếp cận nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững với trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường trong từng chính sách, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được Liên Hợp quốc công nhận là hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ. Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Quốc hội đầu tiên trên thế giới cập nhật Chương trình phát triển bền vững SDGs năm 2030 của Liên Hợp quốc vào Kế hoạch Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm và thường xuyên rà soát vấn đề này.
Việt Nam đã đưa ra cam kết với mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là cam kết rất trách nhiệm của Việt Nam với sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này với sự giúp đỡ của các nước. Thời gian tới, Việt Nam phấn đấu đạt tỉ lệ 70% năng lượng tái tạo, trong đó sẽ tăng thêm đáng kể điện gió, điện mặt trời…, và tiềm năng điện gió, điện mặt trời của Việt Nam rất lớn. Đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quy hoạch điện VIII, đã ký quan hệ Đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và đang tiếp tục triển khai thỏa thuận này.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện Châu Âu hỗ trợ các nước nói chung (trong đó có Việt Nam) vấn đề tài chính, vấn đề công nghệ để thực hiện được điều này. Đây là cam kết chính trị và thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam, bởi cam kết này không chỉ là vấn đề toàn cầu mà trước hết mang lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam.
Tăng cường trao đổi đoàn để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ thương mại với EU và EU là một trong những đối tác tin cậy hàng đầu của Việt Nam; cảm ơn EU đã ủng hộ và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay (ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng…). EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Do đó, Hiệp định này mang lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam sẽ tuân thủ các cam kết trong Hiệp định này.
Toàn cảnh cuộc tiếp
Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các vấn đề liên quan trong Hiệp định này, đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết của Hiệp định, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Đồng thời đề nghị ông Daniel Caspary, trên cương vị Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN thúc đẩy Nghị viện các nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) để Hiệp định sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên, nhất là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Liên quan đến lĩnh vực thủy hải sản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ Thẻ vàng IUU trên cơ sở đánh giá tích cực về những nỗ lực thực chất mà Việt Nam đã thực hiện trong lĩnh vực này.
Hoan nghênh việc EU đưa ra nhiều chiến lược, sáng kiến tăng cường hợp tác với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các ưu tiên hợp tác của EU phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của EU tại khu vực, phối hợp triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - EU giai đoạn 2023 - 2027.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện đa phương và khu vực quan trọng; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mê Kông; hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tài chính, công nghệ, pháp luật, nhân lực; phát triển kinh tế xanh; chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, EU tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, góp tiếng nói và hành động cụ thể nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong vấn đề này.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội gửi lời mời đến Đoàn Nghị sỹ trẻ EP tham gia Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức tại Hà Nội trong tháng 9 tới với chủ đề vai trò của giới trẻ với mục tiêu phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Daniel Caspary, Trưởng Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện châu Âu
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian đón tiếp Đoàn, ông Daniel Caspary, Trưởng Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện châu Âu cho biết, EU đã nâng cấp quan hệ đối với ASEAN trở thành đối tác chiến lược và toàn diện từ năm 2022. Ở cấp độ toàn cầu, các nước đã trải qua thời gian hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, mối quan hệ giữa EU và Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, liên quan đến kinh tế, thương mại. Hai bên vẫn chứng kiến sự tăng trưởng về mặt thương mại và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Tại cuộc tiếp, hai bên đều cho rằng, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam - Nghị viện Châu Âu (EP) đang phát triển rất tốt đẹp trên tinh thần hợp tác và xây dựng; hai bên tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao và các cấp. Hai bên cũng bày tỏ hy vọng, mối quan hệ hợp tác nói chung giữa EU và Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa, hợp tác nghị viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp tác tổng thể giữa EU và Việt Nam./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc tiếp:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ thương mại với EU và EU là một trong những đối tác tin cậy hàng đầu của Việt Nam; cảm ơn EU đã ủng hộ và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.
Tổng Thư ký Quốc hôi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Bùi Văn Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong tại cuộc tiếp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - EU; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu (Bộ Ngoại giao) Phạm Toàn Thắng tại cuộc tiếp
)
Các thành viên Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (EP) tại cuộc tiếp.
Các thành viên Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (EP) tại cuộc tiếp.
Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (EP).
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh cùng Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (EP).
Chủ tịch Quốc hội trao đổi bên lề cuộc tiếp với các thành viên Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (EP).