XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CẤP TỈNH: TĂNG TÍNH CHỦ ĐỘNG, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên
Đảm bảo thống nhất việc trích lập, sử dụng các khoản thu từ tiền sử dụng đất
Đóng góp ý kiến đối với quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự kiến cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa khoản 3 Điều 80 dự thảo luật theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh cùng cấp dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng dành một tỷ lệ nhất định trong ngân sách nhà nước, không quy định tỷ lệ thu tiền từ sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị. Cơ bản nhất trí với nội dung này, song để đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, dù tiền ở nguồn nào cũng phải quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm tối thiểu, không thể quy định chung chung là “dành một tỷ lệ nhất định” bởi sẽ khó triển khai thực hiện.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên nhận thấy, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật có điểm đổi mới là giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí quỹ đất đầy đủ để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Dự thảo Luật cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn.
Theo đại biểu, hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về quỹ phát triển của địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để tiếp nhận vốn đối ứng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đánh giá giữa quy định của dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở để đảm bảo thống nhất, phù hợp, tránh chồng chéo trong việc trích lập, sử dụng các khoản thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Nên quy định việc trích phần trăm tối thiểu từ tiền sử dụng đất dành cho việc phát triển nhà ở xã hội
Trước đó, khi thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 80 và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội là thay đổi phương thức thực hiện chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà Luật Nhà ở hiện hành đã quy định. Cụ thể, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Cũng tham gia ý kiến về nội dung này, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng nội dung dự thảo Luật chưa nêu rõ tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, để tạo nguồn lực thực sự cho việc phát triển nhà ở xã hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị thay vì yêu cầu doanh nghiệp dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại như quy định của Luật hiện hành để xây nhà ở xã hội, dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) nên quy định cứng việc trích tối thiểu từ 10 - 20% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Mặt khác, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện tại khoản 3 Điều 80 và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó đề xuất tỉ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này./.