PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI ĐÔN TUẤN PHONG: THÚC ĐẨY HƠN NỮA HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VÀ THỤY SĨ TRÊN TẤT CẢ LĨNH VỰC

26/06/2023

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-30/6/2023. Chia sẻ trước thềm chuyến thăm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, thông qua chuyến thăm, hai bên đều mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, nghị viện hai nước nói riêng trên tất cả các lĩnh vực.

ĐẠI SỨ THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM THOMAS GASS: TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ HỢP TÁC TỐT ĐẸP THỤY SĨ-VIỆT NAM

LÀM SÂU SẮC HƠN QUAN HỆ HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG, HỢP TÁC NHIỀU MẶT VIỆT NAM - THỤY SĨ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong

Đánh giá về mối quan hệ hai nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, Thụy Sĩ là đối tác truyền thống của Việt Nam. Trải qua 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã phát triển hết sức toàn diện. Thụy Sĩ và Việt Nam có cùng quan điểm đề cao luật pháp quốc tế và vai trò của Liên Hợp Quốc. Về kinh tế, thương mại và đầu tư, mặc dù trong những năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng mối quan hệ về thương mại giữa hai nước phát triển tương đối đều. Thụy Sĩ hiện đứng thứ 21 trong số các nước, vũng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đối với hợp tác phát triển, trong nhiều năm qua, Thụy Sĩ luôn dành cho Việt Nam sự quan tâm hết sức to lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực Châu Á được Thụy Sĩ ưu tiên trong chương trình hợp tác phát triển. Về giao lưu nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ hiện có trên 8.000 người đã hòa nhập rất tốt vào xã hội sở tại, đóng góp cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Đề cập quan hệ nghị viện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Thụy Sĩ thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nhất là ở cấp cao và có sự phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Trên bình diện đó, có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas cùng với sự tham gia của hai Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ đối với Việt Nam nói chung, với Quốc hội Việt Nam nói riêng. Trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Martin Candinas, hai bên đều mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung và nghị viện hai nước nói riêng trên tất cả các lĩnh vực.

Về chính trị, hai bên sẽ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề cùng quan tâm, nhấn mạnh đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và của Liên Hợp Quốc, nhất là trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Về kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại. Trong đó, đặc biệt là việc thể hiện nguyện vọng của hai bên sớm kết thúc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Nếu Hiệp định này sớm kết thúc đàm phán và được ký kết chắc chắn sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và các nước thuộc khối EFTA.

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ có rất nhiều thế mạnh về đầu tư, nhất là trong các ngành như chế tạo máy, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục và đào tạo, dược phẩm, du lịch,... Thông qua chuyến thăm này, phía Việt Nam cũng sẽ đề nghị phía Bạn có biện pháp cụ thể khuyến khích doanh nghiệp Thụy Sĩ, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thế mạnh của Thụy Sĩ và Việt Nam có nhu cầu bởi hiện nay dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Cùng với thương mại, Hiệp định EFTA sẽ là cơ sở rất quan trọng để các doanh nghiệp Thụy Sĩ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Về hợp tác phát triển, một trong những nội dung rất quan trọng của Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ lần này là giám sát việc thực hiện các dự án hợp tác phát triển giữa hai nước. Trong giai đoạn hiện nay, với ngân sách trên 70 triệu USD, Việt Nam cũng mong rằng hợp tác phát triển của Thụy Sĩ tại Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng, nhất là trong những lĩnh vực Thụy Sĩ ưu tiên nhưng Việt Nam cũng ưu tiên trong chính sách và chiến lược phát triển đất nước như phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực,...

Hai bên cũng sẽ thảo luận những biện pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân, trong đó có hợp tác du lịch, tăng cường khách du lịch Thụy Sĩ nói riêng và khu vực nói chung đến với Việt Nam; đặc biệt là tăng cường hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch - đây là một trong những thế mạnh của Thụy Sĩ. Phía Việt Nam cũng sẽ đề nghị Thụy Sĩ quan tâm nhiều hơn tới cộng đồng người Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng hòa nhập hơn nữa, có vị trí hơn nữa và đóng góp nhiều hơn nữa cho mối quan hệ hai nước.

Về hợp tác nghị viện, thông qua chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas, hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể để tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện, duy trì trao đổi đoàn, trao đổi chuyên môn giữa các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Thụy Sĩ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng sẽ trao đổi với phía Bạn về các biện pháp để tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Trong tương lai, chắc chắn các hoạt động cụ thể giữa Quốc hội Việt Nam nói chung, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam nói riêng với Nghị viện Thụy Sĩ sẽ ngày càng được tăng cường hơn nữa./.

Minh Thành