TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/6: QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Chiều 24/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc đánh giá khái quát về những kết quả nổi bật của Kỳ họp, trong đó nêu ra nhiều nội dung quan trọng…
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với không khí làm việc rất sôi nổi, dân chủ và đoàn kết, trong 23 ngày làm việc của kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết đều với tỷ lệ tán thành rất cao; đã cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Đại diện Hội đồng nhân dân của 63 tỉnh, thành phố đã tham gia dự thính để theo dõi trực tiếp một số phiên họp toàn thể của Quốc hội, tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp, gắn bó chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các cơ quan dân cử ở Trung ương và các địa phương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%.
Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội đã dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực; dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để các Luật, Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý III-2023, đồng thời sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua….
Phóng viên: Qua bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông có suy nghĩ gì ? Đâu là thông điệp mà ông quan tâm nhất?
Bám sát thực tiễn, quyết liệt, sáng tạo, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội: Sau 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chúng ta đều thấy Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp. Các công việc của Kỳ họp đã được hoàn thành đúng với mong đợi của cử tri cả nước, tạo nên sự khích lệ tinh thần và quyết tâm cao trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, thể hiện sâu sắc quan điểm bám sát thực tiễn, tiếp tục siết chặt kỷ cương trong xây dựng pháp luật.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Trong bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tôi nhận thấy một thông điệp rõ ràng là: Quốc hội, với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, đã thể hiện sự nhạy bén và sẵn lòng đồng hành cùng nhân dân trong việc vượt qua những khó khăn, đối mặt với thách thức của thời đại. Sự bám sát thực tiễn của Quốc hội đã cho thấy tầm nhìn chiến lược và khả năng thích ứng linh hoạt của các đại biểu nói riêng, cả Quốc hội nói chung, để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
Đặc biệt, việc siết chặt kỷ cương trong xây dựng pháp luật là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hệ thống pháp luật. Điều này không chỉ đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc thi hành pháp luật mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển ổn định của đất nước. Quốc hội đã thể hiện sự kiên nhẫn và tận tâm trong việc đưa ra những quyết định pháp lý chính xác và phù hợp với thực tế, nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội luôn chung sức đồng lòng với nhân dân cả nước là một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Sự gắn kết giữa Quốc hội và nhân dân đã được thể hiện qua các buổi họp dân chủ, trao đổi ý kiến với cử tri. Điều này cho phép Quốc hội lắng nghe ý kiến của nhân dân và đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu và mong muốn của họ. Sự tham gia và tương tác chặt chẽ này giữa Quốc hội và nhân dân sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững.
Trên tinh thần này, chúng ta nhìn thấy rằng Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng không chỉ tại Kỳ họp thứ 5 mà còn trong cả nửa đầu nhiệm kỳ với rất nhiều công việc được hoàn thành xuất sắc khi có đến 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8% đã hoàn thành; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Điều này đã thể hiện thông điệp xuyên suốt của Chủ tịch Quốc hội trong việc bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa” của Quốc hội Khóa XV.
Tuy vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, nhưng sự nhạy bén, quyết tâm và sự đồng lòng của Quốc hội và nhân dân cả nước sẽ là động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn và xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu quả
TS.Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế : Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra những thông điệp quan trọng gắn với 3 chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi đặc biệt chú ý thông điệp của Chủ tịch Quốc hội về việc để các Luật, Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý III.2023, đồng thời sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Nội dung này cũng sẽ trở thành hoạt động định kỳ sau mỗi Kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới.
Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp
Tôi cho rằng, công tác lập pháp là một nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, để bảo đảm thực thi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, thông thoáng và cũng là một trật tự để phát triển kinh tế- về xã hội, cho sự vận hành của cả bộ máy.
Tại bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông tin với cử tri, người dân cả nước: với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này, đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Để đạt kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới, sáng tạo của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành và nhiều cơ quan, đơn vị chức năng khác. Tất nhiên, cũng cần phải thấy, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế có vai trò quan trọng như thế nào thì việc cụ thể hóa và thực thi, đưa các điều luật vào cuộc sống cũng có vai trò quan trọng không kém.
Chủ tịch Quốc hội đã nêu rất rõ ràng, cụ thể một số yêu cầu quan trọng để triển khai thực hiện pháp luật thời gian tới đối với các cơ quan. Đây vừa là yêu cầu vừa là sự hối thúc với các cơ quan thực thi pháp luật. Cử tri, người dân cũng sẽ rất kỳ vọng với sự chuyển động trong thực tiễn, qua đó bảo đảm pháp luật sẽ được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả như Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Gần dân, hết lòng hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó
TS.Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc): Đến thời điểm này có thể khẳng định, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV là một Kỳ họp rất thành công. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Kỳ họp nàt đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng cao ở từng nội dung. Tôi nhận thấy, các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành bài bản, linh hoạt.
Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, đặc biệt thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc)
Điều đó cho thấy một thông điệp rất rõ ràng, Quốc hội đang rất nỗ lực, phấn đấu trở thành cơ quan đại biểu thực sự gần dân, công khai, minh bạch, dân chủ và là cơ quan quyền lực nhà nước thực sự pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi hoàn thành những nhiệm vụ, công việc quan trọng luôn quan tâm đến việc kết nối, báo cáo ngay với cử tri; luôn đi đầu, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia!