LÀM RÕ VƯỚNG MẮC, GIẢI PHÁP, SỰ LỒNG GHÉP TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG VỚI MỤC TIÊU THỰC HIỆN 3 CTMTQG
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN không được giao nhiệm vụ chủ trì, hướng dẫn triển khai các nội dung dự án, tiểu dự án thành phần của 03 Chương trình MTQG, tuy nhiên, NHNN được giao 02 nhiệm vụ tại 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG):
Một là, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Hai là, kiểm tra, giám sát các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trong việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Về quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Nghị định, NHNN đã bám sát định hướng của Quốc hội tại Nghị quyết số 88/2019/QH14: “Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.”, và bám sát các nội dung về hỗ trợ tín dụng đã được phê duyệt tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội (UBDT đầu mối thực hiện) và Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình để dự thảo các nội dung về cho vay ưu đãi. NHNN đã tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của 15 cơ quan, 10 địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ.
Về các cơ quan liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc đã ban hành các Thông tư hướng dẫn các địa phương rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã kịp thời ban hành 2 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để các chi nhánh trên toàn quốc thống nhất cho vay.
Nhìn chung, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao liên quan đến ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo đúng tiến độ, thời hạn được phân công (Quý I/2022). Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đến nay đã được các Bộ, ngành ban hành đầy đủ theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị định.
Về kết quả giải ngân thực hiện chương trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, đến 31/5/2023, NHCSXH đã giải ngân tại 42/50 tỉnh,thành phố13 (đã phê duyệt danh sách hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi theo chương trình) với tổng dư nợ đạt 1.371 tỷ đồng, cho 26.619 khách hàng có dư nợ. Trong đó giải ngân được 5/6 chính sách cho vay, chưa phát sinh dư nợ cho vay hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát Quốc hội với NHNN và NHCSXH về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 CTMTQG
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Với trách nhiệm của cơ quan chủ trì trình ban hành Nghị định số 28, NHNN luôn theo dõi sát sao công tác giải ngân của NHCSXH, tuy nhiên kết quả giải ngân của NHCSXH chưa cao xuất phát từ các lý do sau:
- Tại các địa phương, công tác rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn chậm, nguyên nhân do đây là Chương trình MTQG mới lần đầu triển khai, công tác ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện Nghị định đến tháng 9/2022 mới hoàn thành (Thông tư của UBDT có hiệu lực từ 15/8/2022, Thông tư của Bộ Y tế có hiệu lực từ 22/9/2022), các địa phương chưa có nhiều thời gian để rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng dẫn đến chậm giải ngân của NHCSXH.
- Nhu cầu vay vốn của người dân để làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất đã có sự thay đổi nhiều so với số liệu thống kê từ năm 2019 (thời điểm xây dựng CTMTQG), dẫn đến việc các địa phương phải rà soát, điều chỉnh lại nhu cầu hỗ trợ. Mặt khác, qua khảo sát của NHNN tại một số địa phương (An Giang, Trà Vinh, Kon Tum) người dân chủ yếu mong muốn thụ hưởng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để làm nhà, mua đất, không muốn vay vốn ngân hàng.
- Công tác bố trí quỹ đất của các địa phương gặp khó khăn, dẫn đến người dân phải tìm mua đất ngoài thị trường, phát sinh nhiều vướng mắc về giấy tờ pháp lý và giá cả thị trường cao so với số tiền được hỗ trợ.
- Dư nợ giải ngân cho vay chuỗi giá trị thấp do đa số địa phương chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, chưa hình thành dự án cụ thể, chưa phê duyệt danh sách dự án hưởng ưu đãi tín dụng.
Ngoài ra, các địa phương cũng phản ảnh khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp chủ trì chuỗi liên kết do địa bàn thực hiện của chính sách là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Đối với các dự án dược liệu mới ở công tác lập kế hoạch, khảo sát đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, chưa làm thủ tục mời, lựa chọn chủ trì liên kết.
Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận thấy, các khó khăn, vướng mắc hiện tập trung chủ yếu ở công tác rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách, làm cơ sở để NHCSXH cho vay, không có khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế tín dụng tại Nghị định 28 cũng như công tác giải ngân cho vay của NHCSXH.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện CTMTQG
Về triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện Chương trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, NHNN phối hợp với NHCSXH và các cơ quan liên quan (Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc trong tháng 2/2023 để lắng nghe phản ánh của các địa phương, kịp thời giải đáp, hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai chính sách. Đồng thời chủ trì Đoàn khảo sát liên ngành làm việc tại 6 địa phương trong tháng 3/2023 để nắm bắt khó khăn thực tế, làm cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, tạo thuận lợi cho địa phương triển khai chính sách.
NHNN đã kịp thời có văn bản trả lời địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình triển khai 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đến nay, NHNN chỉ nhận được 1 kiến nghị của tỉnh Yên Bái liên quan đến triển khai Nghị định số 28, NHNN đã có văn bản trả lời tỉnh Yên Bái, đồng thời gửi toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước để các địa phương biết và thống nhất thực hiện.
Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc) tham gia ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thực hiện các CTMTQG nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai CTMTQG.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Đối với việc triển khai CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, NHNN đã có Công văn số 6024/NHNN-TD ngày 30/8/2022 chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng triển khai Chương trình. NHNN cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các Tổ chức tín dụng thực hiện kế hoạch được xây dựng hằng năm, trong đó có việc kiểm tra, giám sát các Ngân hàng Thương mại trong việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã giao Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình cho vay phục vụ các CTMTQG trên địa bàn các tỉnh được phân công theo dõi gửi Ban Chỉ đạo Trung ương.
Đến nay, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã trên toàn quốc thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,85% so với cuối năm 2022, tăng 26,9% so với cuối năm 2020 (thời điểm kết thúc giai đoạn trước) với hơn 9,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù không được phân công nguồn vốn cũng như thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần tại Chương trình, tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN đã triển khai các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, đặc biệt người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như:
Thứ nhất, NHNN đã tích cực triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó xây dựng giải pháp chú trọng tới nhóm đối tượng là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, NHNN tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người dễ tổn thương trong xã hội.
Thứ ba, đặc biệt, NHCSXH hiện đang triển khai 26 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến 31/5/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 317 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 302 nghìn tỷ đồng, với hơn 7,9 triệu món vay của trên 6,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ.
Thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kịp thời nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc để phát huy vai trò của nguồn vốn tín dụng trong việc triển khai, thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025./.