PGS. TS TÀO THỊ QUYÊN: XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CHỦ YẾU LÀ KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN

06/07/2023

Theo PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm pháp luật không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý của Nhà nước mà điều quan trọng hơn là pháp luật phải kiến tạo môi trường, hành lang thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của xã hội…

ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA 

 

 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Nghị quyết số 27 ngày 9 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” xác định ba trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có trọng tâm về hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật. Đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

Nghiên cứu về nội dung này, PGS.TS Tào Thị Quyên cho rằng, tiếp tục đổi mới tư duy về bản chất, vai trò, chức năng của pháp luật để sử dụng pháp luật một cách đúng đắn, hiệu quả, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển xã hội Việt Nam theo hướng đề cao và phát huy bản chất xã hội, bản chất nhân văn, vai trò thuyết phục, sáng tạo của pháp luật. Coi pháp luật là phương thức tổ chức mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tổ chức và hoạt động của Nhà nước, là công cụ, phương tiện thể hiện, thực hiện, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, là nhân tố huy động, phân bổ, sử dụng, kiểm soát nguồn lực phát triển xã hội, thiết lập trật tự an toàn và kỷ cương xã hội.

PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nhấn mạnh trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, PGS.TS Tào Thị Quyên lưu ý, cần phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu phát triển của hiện tại và xu thế phát triển của tương lai. Hệ thống pháp luật đó cần phải được xây dựng và hoàn thiện bằng một tư duy mới đó là xây dựng pháp luật vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển xã hội.

Do đó, cần tiếp tục đôi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm pháp luật không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước mà điều quan trọng hơn là pháp luật phải kiến tạo môi trường, hành lang thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, trong tiến trình hiện đại hoá pháp luật, phải thay đổi mạnh mẽ từ chỗ thụ động, chạy theo sự việc, hiện tượng xã hội và quan hệ xã hội sang chủ động, đón đầu và định hướng cho quan hệ xã hội để đáp ứng  yêu cầu điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh.

Hoạt động xây dựng pháp luật cũng cần hướng đến coi trọng hơn những yếu tố thực tiễn và tính toán hiệu quả điều chỉnh pháp luật trên cơ sở lý thuyết dựa trên bằng chứng. Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Để làm được như vậy, hoạt động lập pháp phải tạo ra bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể…” - PGS.TS Tào Thị Quyên nêu rõ.

Bên cạnh đó, PGS.TS Tào Thị Quyên cũng cho rằng, quy trình xây dựng pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng tăn cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, giữa Trung ương và địa phương.

Nghiên cứu, đưa vào áp dụng có hiệu quả cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát đối với những thể chế, chính sách mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm hoặc còn nhiều vấn đề chưa rõ, chưa thật chín muồi để bảo đảm thích ứng linh hoạt, đáp ứng kịp thời với yêu cầu, biến chuyển của tình hình; trong đó cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, đề cao tính tự chủ, sáng tạo đi đôi với tăng cường cơ chế kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện cơ chế thí điểm, thử nghiệm.

Ngoài ra, theo PGS.TS Tào Thị Quyên kiến nghị cần đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho xây dựng pháp luật, bảo đảm đủ để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng của chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc điều tra, khảo sát thực tế, đánh giá tác động kinh tế xã hội của chính sách, pháp luật và việc lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật, nòng cốt là đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật; nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế.

Hiện đại hoá phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật. Khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Tận dụng triệt để dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác. Thúc đẩy số hoá, mạng hoá, tối ưu hoá và tích hợp các nền tảng thông tin, dữ liệu và mạng lưới khác nhau trong lĩnh vực xây dựng pháp luật./.

Lê Anh