CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CÓ THỂ KIỂM SOÁT NỘI DUNG, THỜI GIAN VÀ QUẢN LÝ GAME ONLINE BẰNG MÃ ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ

06/07/2023

Đóng góp vào việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, thay vì áp thuế, các cơ quan chức năng cần cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý game online qua mã định danh điện tử như một số nước đang triển khai....

CÁC DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI RƯỢU BIA, NƯỚC UỐNG CÓ ĐƯỜNG MONG MUỐN XEM XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI VIỆC ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

ĐỀ XUẤT CÓ THÊM ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG NHIỀU CHIỀU KHI ĐƯA KINH DOANH DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ TRỰC TUYẾN VÀO CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng. Một trong những điểm mới được đưa vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là mở rộng đối tượng chịu thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến trên mạng Internet (game online).

Với điểm mới trên, tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức ở Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội kinh danh trò chơi điện tử trực tuyến đã có những ý kiến, đề xuất với các cơ quan chức năng.

Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ nở rộ thị trường game lậu, khó kiểm soát được về nội dung

Thực tế tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Ông Trần Phương Huy - Giám đốc Công ty VTC Intecom.

Theo đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam, họ đang thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước song phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% doanh nghiệp còn lại đã ngừng hoạt động hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Ông Trần Phương Huy - Giám đốc Công ty VTC Intecom cho rằng, nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp như VTC Intecom sẽ không thể hoạt động được ở ngay trên sân nhà. Mục tiêu của áp thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, tăng thu ngân sách Nhà nước, nhưng nếu áp dụng thuế này với ngành game lại hoàn toàn khác.

Theo số liệu của Liên minh các Nhà sản xuất và phát hành Game Việt Nam, cứ 100 người tham gia game online thì chỉ có dưới 10 người trả tiền (con số chính xác là 5,8 người), có tới 90% người chơi không trả tiền. Điều này đồng nghĩa việc điều chỉnh hành vi người thu thuế là điều chỉnh hành vi của 5,8 người và đây cũng một con số rất nhỏ.

Theo ông Trần Phương Huy, thay vì áp thuế tiêu thụ đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý game online qua mã định danh điện tử như một số nước như Trung Quốc đang làm chứ không phải dùng chính sách thuế nhắm vào doanh nghiệp game online. Theo đó, Việt Nam nên bổ sung quy định cấp Căn cước công dân gắn chip cho nhóm đối tượng dưới 14 tuổi, để khi trẻ vị thành niên tạo tài khoản chơi game trực tuyến sẽ phải gửi xác thực đến cơ quan quản lý, giúp Nhà nước và cả doanh nghiệp quản lý tài khoản của người chơi game online chặt chẽ hơn trong 1-2 năm tới. Từ đó quản lý và kiểm soát hành vi người tiêu dùng thay vì áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.

 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam.

Đưa ra quan điểm nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam khẳng định: Hiện nay môi trường kinh doanh của ngành game trong nước chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Nếu so sánh với chính sách phát triển ươm mầm, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước phát triển, hay thậm chí là của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Điều này dẫn đến thực trạng, không ít doanh nghiệp có chủ yếu là nhân sự là người Việt, thành công ở Việt Nam và cả thị trường nước ngoài, nhưng lại được khai sinh ở một quốc gia khác.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích tiếp, hiện chưa có bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung và thời gian chơi game như điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, chứ áp dụng công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.

Với những phân tích trên đây, ông Nguyễn Trọng Nghĩa gửi đến thông điệp rằng, thị trường game ở Việt Nam tuy đang phát triển nhưng doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh với cả chính sách hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. Do đó, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam kiến nghị trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Nguyễn Nhật Long - Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Đóng góp thêm vào nội dung trên, ông Nguyễn Nhật Long - Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, sở cứ mà Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ thuyết phục về ảnh hưởng xã hội của game để áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Công nghiệp game đang tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế số. Các trường đại học gần đây cũng rục rịch đưa ngành này vào để hướng tới xây dựng ngành công nghiệp game trong tương lai. Vì vậy, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét, cân nhắc thêm việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online./.

Bích Lan