SỬA ĐỔI LUẬT NHÀ Ở: CẦN HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ VIỆC MUA NHÀ Ở XÃ HỘI ĐỂ BỐ TRÍ TÁI ĐỊNH CƯ

09/07/2023

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Theo các nhà quản lý, để khắc phục những bất cập trong luật hiện hành, dự thảo luật cần có quy định cụ thể, hướng dẫn tường minh, chi tiết hơn nữa về việc mua nhà ở thương mại theo hình thức đặt hàng hoặc mua nhà ở xã hội để bố trí tái định cư.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) 

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Đây là dự án Luật quan trọng, liên quan đến lợi ích của mọi người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Tổng kết quá trình thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về phát triển nhà ở tái định cư, mặc dù các nguyên tắc phát triển nhà ở tái định cư (Điều 35) và hình thức bố trí tái định cư (Điều 36) là các quy định mang tính thực tế cao trong thời gian vừa qua, tuy nhiên nội dung quy định vẫn còn chung chung, chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở tái định cư nên các địa phương vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Luật Nhà ở có quy định về hình thức đặt hàng nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư, nhưng cơ chế áp dụng cụ thể cho hình thức này vẫn chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện (thời điểm nộp tiền sử dụng đất trong trường hợp địa phương không còn nhu cầu sử dụng nhà ở này làm nhà ở tái định cư, việc ký kết hợp đồng đặt hàng nhà ở tái định cư, mẫu hợp đồng mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư,…)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng (hầu hết là được hình thành từ trước khi có Luật Nhà ở 2014) do: người dân không còn nhu cầu tái định cư, nhà ở tái định cư sập xệ, không đảm bảo chất lượng, công tác tái định cư chủ yếu để người dân có chỗ ở, chưa quan tâm đến không gian sống và các chính sách an sinh xã hội tiếp theo, như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm và phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, tái định cư, nhiều dự án hình thành từ trước khi có quy định về đóng kinh phí bảo trì, thành lập Ban quản trị, quản lý vận hành… đến nay nhiều nhà tái định cư không thể tiếp tục sử dụng, việc yêu cầu người dân đóng các khoản phí liên quan đến quản lý vận hành, bảo trì cũng rất khó khăn.

Việc quỹ nhà tái định cư này tồn tại mà chưa có phương án xử lý đang gây bức xúc cho người dân và xã hội, đồng thời gây lãng phí tài sản của Nhà nước và nguồn lực đất đai. Mặc dù Luật Nhà ở đã có quy định về chuyển đổi công năng nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại, tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc liên quan đến đến trình tự, thủ tục thực hiện.

Hiện nay Điều 36 của Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 99 Luật PPP 2020) đã bãi bỏ hình thức BT trong đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, do đó việc đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp

Bàn về nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, mặc dù Luật Nhà ở 2014 đã có quy định về việc mua nhà ở thương mại theo hình thức đặt hàng hoặc mua nhà ở xã hội để bố trí tái định cư nhưng các quy định này còn chưa cụ thể, rõ ràng nên các địa phương vẫn chưa có cơ sở triển khai thực hiện; Luật Nhà ở cũng chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chuyển đổi sử dụng nhà ở tái định cư sang làm nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng hoặc không còn phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Một trong các nguyên nhân là nhiều nhà tái định cư được xây dựng từ trước khi có quy định về đóng kinh phí bảo trì, thành lập Ban quản trị, quản lý vận hành, tái định cư và lại ở xa khu vực trung tâm, không thuận lợi về giao thông, sinh hoạt của người dân…do đó nhiều nhà tái định cư đến nay không thể tiếp tục sử dụng hoặc người dân không có nhu cầu sử dụng, tỷ lệ bỏ trống nhà ở tái định cư cao.

Ngoài ra, quy định hiện hành về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý, bố trí nhà ở tái định cư còn chưa cụ thể, rõ ràng nên việc quản lý, sử dụng nhà ở tái định cư trong thời gian vừa qua chưa được quan tâm đúng mức.

Minh Hùng