TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN RỘNG RÃI CÁC LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5

17/07/2023

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung 08 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và vừa được Chủ tịch nước Công bố để các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu và thực hiện.

HỌP BÁO CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CÔNG BỐ 08 LUẬT ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Quang cảnh buổi họp báo.

Sáng 17/7, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, thay mặt Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 08 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Cùng dự buổi hợp báo có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng đông đảo phóng viên, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố các Lệnh về việc công bố 08 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua.

Tại họp báo, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố các Lệnh về việc công bố 08 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, bao gồm: Luật Giá, Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện các Bộ, ngành đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của các Luật được công bố. Cụ thể:

Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa

Giới thiệu về Luật Phòng thủ dân sự, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao (đạt 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành).

Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Luật Phòng thủ dân sự có 07 chương và 55 điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Luật Phòng thủ dân sự cũng xác định rõ nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự. Đó là: Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam​.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình khẳng định, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự; đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế. Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 7 Chương với 80 Điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong Luật lần này nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cụ thể như các quy định về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; một số khái niệm; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3; trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; các hành vi bị nghiêm cấm; vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cùng đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành dự buổi họp báo.

Sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Liên quan đến Luật Hợp tác xã, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, HXT, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; bảo đảm và phát huy đặc trực, nguyên tắc cơ bản của HTX; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Luật Hợp tác xã 2023 có 12 chương, 115 điều với nhiều điểm mới, gồm 5 nhóm chính: Nhóm 1: Quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Nhóm 2: Quy định mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Nhóm 3: Quy định nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; Nhóm 4: Quy định tổ hợp tác và tổ chức đại diện; Nhóm 5: Quy định nâng cao hiệu quả quan lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng làm rõ một số nội dung của Luật Đấu thầu. Theo đó, với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành, Luật Đấu thầu 2023 tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu, thúc đẩy hiệu quả thực chất đồng vốn Nhà nước, đồng thời góp sức xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, luật đã bổ sung tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi.

Hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, cấp tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá, đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an là nam 62, nữ 60 và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Ngoài các nội dung nêu trên, luật còn sửa đổi kỹ thuật tại một số điểm, khoản của Luật Công an nhân dân năm 2018 cho phù hợp với nội dung sửa đổi quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan công an. Hiệu lực thi hành luật từ ngày 15/8/2023.

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an​

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định, việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện pháp lý, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023 cũng sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trương điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật từ, an toàn xã hội.

Tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số

Giới thiệu Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Luật Giao dịch điện tử 2023 gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử (năm 2005).

 Luật Giao dịch điện tử sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0 và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý về giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử, phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn.

Đại diện các Bộ, ngành và đông đảo phóng viên, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí dự buổi họp báo.

Khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành

Thông tin về Luật Giá năm 2023, Cục trưởng Cục Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến cho biết, Luật Giá được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Sau 10 năm thi hành, Luật Giá đã giúp công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội; hoạt động thẩm định giá phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện Luật Giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất là trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật giá là cần thiết. 

Ngày 19/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Giá với nhiều nội dung mới, trong đó có quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời xác định rõ quan hệ giữa Luật Giá với các Luật có quy định về giả để nhằm khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành…

Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; Thẩm định giá; Thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; Điều khoản thi hành…

Cũng tại họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề các phóng viên quan tâm liên quan đến nội dung các luật vừa mới được ban hành.

Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung 08 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và vừa được Chủ tịch nước Công bố để các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu và thực hiện./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi họp báo:

Toàn cảnh buổi họp báo.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Đại diện các Bộ, ngành và đông đảo phóng viên, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí dự buổi họp báo.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giới thiệu về Luật Phòng thủ dân sự.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm rõ một số nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng giới thiệu một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi họp báo.

Các phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo.

Cũng tại họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề các phóng viên quan tâm liên quan đến nội dung các luật vừa mới được ban hành.

 

Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung 08 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và vừa được Chủ tịch nước Công bố để các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu và thực hiện.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức