TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM

19/07/2023

Để Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hoạt động hiệu quả, đúng mục đích, nhiều ĐBQH nêu quan điểm, Ban soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra cơ chế quản lý, giám sát việc thu, chi, tồn dư kinh phí của Quỹ…

CẦN LÀM RÕ MỨC ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP VÀO QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM

SẼ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH THEO PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại những cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta hiện vẫn tồn tại khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư. Trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, vai trò điều tiết của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông thông qua chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là hết sức quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, gắn kết người dân với nền kinh tế số, xã hội số là hết sức cần thiết.

Hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam phải đảm bảo người dân ở những vùng miền khó khăn được tiếp cận với dịch vụ viễn thông (ảnh minh họa: Internet).

Nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân ở khắp vùng miền trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông, căn cứ Luật Viễn thông và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Quyết định này cũng nhằm đảm bảo hoạt động phù hợp, hiệu quả với chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giai đoạn mới.

Có thể khẳng định, hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực nhất định trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, mang lại lợi ích cho người dân trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông để tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong thời gian tới, nhu cầu về hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập rất lớn, góp phần thực hiện chính sách an sinh của Nhà nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, đảm bảo quyền lợi cho người dân mà không ảnh hưởng đến ngân sách. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhiều đại biểu Quốc hội tại cuộc họp về nội dung Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây.

Đánh giá, giám sát kỹ hơn về nhiệm vụ chi của Quỹ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam

Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để thực hiện được nhiệm vụ, nhu cầu trên, trong lần sửa đổi Luật Viễn thông lần này, Ban soạn thảo cần chú trọng nghiên cứu để đưa ra cơ chế quản lý, giám sát Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, việc quản lý Quỹ cần dựa trên Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước.

Để có cơ sở quyết định có tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam nhằm phục vụ cho các mục tiêu đề ra hay không, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng, cần làm rõ Quỹ có nhiệm vụ chi trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước hay không? Liệu Quỹ có tồn dư nguồn kinh phí lớn không; quy định về tỷ lệ thu, mức thu và chi thực hiện nhiệm vụ của Quỹ đã hợp lý chưa? Một số chức năng, nhiệm vụ của các Quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động ra sao.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm, cần làm rõ cơ chế huy động kinh phí cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam từ nguồn vốn viện trợ, đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có báo cáo rõ về hiện trạng sử dụng kinh phí của Quỹ đến nay như thế nào, có cần bổ sung, giảm bớt những hạng mục đầu tư nào.

Nhấn mạnh vai trò quản lý, giám sát, theo dõi của các cơ quan, ban ngành, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan cần có sự đánh giá, giám sát kỹ hơn về nhiệm vụ chi của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã phù hợp chưa? Bộ máy tổ chức, hoạt động của Quỹ hiện ra sao? Các Bộ ngành có ý kiến, đề xuất như thế nào về sử dụng lượng tiền tồn dư của Quỹ?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay đã có Quy hoạch vùng thì việc đầu tư cho hạ tầng viễn thông cần phù hợp với yêu cầu đề ra và có hiệu quả. Do vậy, việc sử dụng kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cũng cần được tính toán kỹ lưỡng.

Với những ý kiến, đề xuất như trên, các ĐBQH bày tỏ mong muốn, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ phía các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng hiệu quả kinh phí nếu Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tiếp tục được duy trì./.

Bích Lan