Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Quốc hội được đặt ở vị trí cao nhất trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.
Chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp kể từ Hiến pháp năm 1980 (Điều 82), tiếp tục được kế thừa tại Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp 2013. Cùng với quá trình đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Kết quả của hoạt động này cho thấy, thông qua giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Theo đó, nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ,.. Bên cạnh đó, chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và toàn bộ hoạt động của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước.
TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên PCN Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa XIV
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên PCN Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa XIV đề nghị, cần tăng cường tham vấn công chúng trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.
TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, tham vấn công chúng là hành động có chủ đích của chính quyền nhằm thông báo, hỏi và lắng nghe, thảo luận với những người chịu ảnh hưởng bởi một quyết định, một giải pháp nào đó hoặc những người có liên quan, có quan tâm đến chính sách, giải pháp sắp được ban hành hoặc đã được ban hành. Thông qua đó, các nhóm người trong xã hội có cơ hội để bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, tạo ddieuf kiện để người ra quyết định có cơ sở xem xét và cân nhắc trước khi quyết định ban hành hoặc sửa đổi chính sách.
Tham vấn tạo điều kiện cho người dân đóng góp ý kiến của mình vào những vấn đề quốc sách, dân sinh và được chính quyền trực tiếp lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu. Bên cạnh ý nghĩa giữ mối liên hệ với cử tri, tham vấn là công cụ quan trọng giúp cơ quan dân cử có đầy đủ căn cứ, lý lẽ và thông tin quan trọng sát thực tế phục vụ cho hoạt động quyết định các chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đối với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, tham vấn công chúng không chỉ là nguồn cung cấp thông tin hữu hiệu mà còn là chất xúc tác để các cơ quan chịu sự giám sát nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Quan tâm theo dõi hoạt động của Quốc hội, PGS. TS Doãn Hồng Nhung – giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cùng với việc đổi mới phương thức giám sát, chú trọng “hậu giám sát” thì việc tăng cương tham vấn công chúng trong hoạt động giám sát cũng là một trong những giải pháp cần được quan tâm đẩy mạnh.
PGS. TS Doãn Hồng Nhung – giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, trong hoạt động lập pháp, công tác tham vấn công chúng đã được thực hiện rất tốt, mang lại hiệu quả, góp phần giúp các dự án luật được thông qua sát thực với cuộc sống hơn,… Nếu tham vấn công chúng trong hoạt động giám sát được tăng cường, đẩy mạnh cũng sẽ đưa lại những hiệu quả thiết thực.
Tham vấn công chúng ngay từ khi lựa chọn vấn đề, nội dung giám sát là kênh thông tin quan trọng giúp cơ quan dân cử quyết định đúng vấn đề nội cộm, vấn đề “nóng” trong xã hội cần giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tiếp đó, trong suốt quá trình giám sát, đặc biệt quá trình hoàn thiện báo cáo giám sát, hoạt động tham vấn chuyên gia nhất là các chuyên gia có chuyên sâu, có uy tín cao đối với lĩnh vực giám sát sẽ có tác động rất lớn, giúp nâng cao chất lượng báo cáo, kiến nghị giám sát;… Đây là kênh tham vấn giúp đưa thêm góc nhìn khách quan, thêm luận cứ khoa học đối với các vấn đề mang tính chuyên môn sâu. Trên cơ sở đó, chủ thể tiến hành giám sát có thêm dữ liệu để phân tích, nhận định vấn đề; đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với vấn đề còn tồn tại, hạn chế phát hiện trong quá trình giám sát.
Cử tri Lưu Huy Vinh, TP. Hà Nội
Vui mừng và đánh giá cao những kết quả, đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, cử tri Lưu Huy Vinh cho rằng, trước yêu cầu, đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn đời sống xã hội, trong những năm đầu của nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã đổi mới quyết liệt, đẩy mạnh hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực. Sau giám sát, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn, nhiều vấn đề kiến nghị được khắc phục, giải quyết kịp thời;…
Bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ tiếp tục đẩymạnh hơn nữa hoạt động giám sát với nhiều hình thức, phương pháp tiến hành giám sát đa dạng, cử tri Lưu Huy Vinh đề xuất, sẽ có nhiều hội nghị tham vấn người dân liên quan đến các nội dung giám sát đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp, sát sườn tới cuộc sống Nhân dân.
Cử tri cho rằng, thông qua hội nghị tham vấn là cơ hội để người dân có thể hiểu hơn hoạt động giám sát của Quốc hội, được đóng góp ý kiến trực tiếp, cũng như cung cấp thông tin nhiều chiều, hữu ích, thiết thực tới Đoàn giám sát. Đồng thời, góp phần để các cơ quan chịu sự giám sát khẩn trương giải quyết những vấn đề đang bất cập, tồn đọng;…./.