TỔ GIÁM SÁT SỐ 02 CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT TẠI HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG

24/07/2023

Sáng 24/7, Tổ giám sát số 02 Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giám sát 02 làm việc với huyện Trùng Khánh về chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

GIÁM SÁT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA - KHUYẾN KHÍCH ĐỊA PHƯƠNG NGHIÊN CỨU KIẾN NGHỊ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, huyện Trùng Khánh.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Trùng Khánh huy động lồng ghép các nguồn vốn trên 717,1 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, ngân sách Trung ương phân bổ 507,3 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 2,4 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương (cân đối ngân sách địa phương, tăng thu và vốn khác) trên 191 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan phát biểu tại buổi làm việc.

Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6/2023, toàn huyện đạt 218/361 tiêu chí, bình quân đạt 11,5 tiêu chí/xã; có 3/19 xã đạt 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện được phân bổ trên 36,5 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân 14,5 tỷ đồng, đạt 40,01% kế hoạch.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch của HĐND, UBND huyện. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 5.858 hộ nghèo, chiếm 33,59%; năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,92%, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,02% (kế hoạch giảm 3,5 - 5%); 100% xã có điện lưới quốc gia; 97,5% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Giai giai đoạn 2021 - 2023, huyện được giao trên 240 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân trên 91,1 tỷ đồng, đạt 38,08% kế hoạch.

Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sau khi triển khai thực hiện, chương trình góp phần thay đổi cơ bản các xã đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm 4% trở lên/năm. Giai đoạn 2021 - 2023, chương trình được giao nguồn vốn trên 240 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 giải ngân 84,2 tỷ đồng, đạt 36,35% kế hoạch.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như: các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình chưa kịp thời dẫn đến việc việc triển khai thực hiện các mô hình còn chậm; nguồn kinh phí thực hiện chương trình được phân bổ chậm; việc thiếu cán bộ chuyên trách ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở cơ sở; một số chính sách vướng mắc các quy định, chưa phù hợp thực tiễn nên khó triển khai chương trình hiệu quả…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đánh giá cao nỗ lực của huyện Trùng Khánh trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tổ công tác ghi nhận những kiến nghị, khó khăn của huyện để tổng hợp, kiến nghị Trung ương điều chỉnh kịp thời. Đề nghị huyện phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân khó khăn, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Tổ giám sát số 02 của Quốc hội tặng quà gia đình chính sách tại huyện Trùng Khánh.

Nhân dịp này, Tổ giám sát số 02 của Quốc hội tặng quà huyện Trùng Khánh và 15 hộ gia đình chính sách trên địa bàn.

(Theo Báo điện tử Cao Bằng)

Các bài viết khác