KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG VIỆC TĂNG CƯỜNG TÍNH MINH BẠCH ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG TIÊU THỤ NƯỚC

27/07/2023

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến. Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, để có được những quy định khả thi, bắt kịp nhịp độ phát triển, tương thích với pháp luật quốc tế, cần tích cực tham khảo quy định, cơ chế, chính sách của các nước tiên tiến trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong vấn đề bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng nước cao thông qua sự tham gia của người dân và tăng cường tính minh bạch đối với các đối tượng tiêu thụ nước.

SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐỂ KỊP THỜI KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM DO NƯỚC THẢI SINH HOẠT, CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến. Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, để có được những quy định khả thi, bắt kịp nhịp độ phát triển, tương thích với pháp luật quốc tế, cần tích cực tham khảo quy định, cơ chế, chính sách của các nước tiên tiến trong lĩnh vực này.

Theo đó, về nội dung cơ bản trong bảo đảm an ninh nguồn nước của Liên minh Châu Âu (EU), hệ thống pháp luật của EU những năm gần đây có xu thế tập trung vào khía cạnh bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt, bao gồm việc bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng nước cao thông qua sự tham gia của người dân và tăng cường tính minh bạch đối với các đối tượng tiêu thụ nước. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các sự kiện ô nhiễm thường xuyên có thể tác động đến trữ lượng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bao gồm các chất vi lượng mới được phát hiện, vi nhựa và các loại chất kháng kháng sinh; ưu tiên bảo đảm an ninh nguồn nước - nhất là chất lượng nước sinh hoạt - đặc biệt được EU quan tâm.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ trương ưu tiên bảo đảm an ninh nguồn nước cấp sinh hoạt của EU cũng một lần nữa được thể hiện rõ khi vừa mới đây, tháng 1/2022, Cơ quan chức năng của EU vừa công bố Kế hoạch an ninh nguồn nước (Water Security Plan). Kế hoạch tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh chất lượng nguồn nước cấp, trong đó hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp an ninh nhằm chống lại các hành động gây tổn hại đến chất lượng cũng như tính toàn vẹn của các mạng lưới hệ thống cấp nước trên toàn EU.

Tại Mỹ, dự thảo luật, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước đã được đề trình và thảo luận ở Quốc Hội, ví dụ dự thảo Luật An ninh nước sinh hoạt 2009 (Dringking Water Security Act of 2009), dự thảo Luật An ninh nguồn nước vùng miền Tây (Western Water Security Act of 2019, 2021-2022)… Tăng cường an ninh nguồn nước cấp quốc gia và cấp khu vực cũng là mục tiêu được đề cập trong Chiến lược nước toàn cầu (Global Water Strategy) được Chính phủ Mỹ ban hành năm 2017. Chiến lược khẳng định, an ninh nguồn nước là một bộ phận của an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

 Dự thảo Luật An ninh nguồn nước vùng miền Tây được xây dựng năm 2019 đề cập đến 3 chủ đề chính, gồm: cải thiện quản lý nước và hạ tầng kỹ thuật, quản lý nước dưới đất, phục hồi môi trường và bảo tồn nước. Trong khi đó, dự thảo Luật An ninh nước sinh hoạt tập trung vào việc tăng cường chất lượng nước (có xét đến các chất ô nhiễm mới, vi chất, vi sinh có hại đến sức khoẻ con người) và bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống cấp nước.

Trong lĩnh vực an ninh nước cấp sinh hoạt, Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và ngành nước đã và đang thực hiện nhiều hoạt động liên quan, cơ bản được chia thành 5 hạng mục chính gồm: Thiết lập trung tâm thông tin để cảnh báo hoặc sự cố về nước uống; Phát triển các công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương; Xác định các hành động để giảm thiểu các vấn đề dễ bị tổn thương; Điều chỉnh các kế hoạch vận hành khẩn cấp; và hỗ trợ nghiên cứu về các chất ô nhiễm sinh học, hóa học được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt tiềm tàng.

Đối với nội dung cơ bản trong bảo đảm an ninh nguồn nước của Trung Quốc, Trung Quốc vừa phê duyệt và ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trong chương trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025). Kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và Bộ Tài nguyên nước phối hợp công bố, là kế hoạch 5 năm đầu tiên về an ninh nước được thực hiện ở cấp quốc gia ở nước này.

Theo Kế hoạch, đến năm 2025, năng lực kiểm soát lũ lụt, giảm hạn hán, khai thác sử dụng nguồn nước, phân bổ nguồn nước tối ưu và bảo vệ hệ sinh thái nước của Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 5 năm này (2021-2025), Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện chương trình sáng kiến ​​sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cấp quốc gia và thúc đẩy việc xây dựng các dự án cấp nước lớn, các mạng lưới cấp nước thông minh.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh các nỗ lực để thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực chính liên quan đến bảo tồn nước, cải thiện sự phát triển sáng tạo của bảo tồn nước và hiện đại hóa hệ thống quản lý nước.

Trên thực tế, an ninh nguồn nước đã được đề cập và nhấn mạnh trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) của Trung Quốc. Trong thời kỳ đó, cùng với mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước, 2 vấn đề, khía cạnh quan trọng cơ bản của an ninh nguồn nước được Trung Quốc xác định (tại Chương 31) gồm phân bổ tài nguyên nước và giảm thiểu, kiểm soát lũ.

Minh Hùng