Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trên các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến về dự án Luật quan trọng này. Đại biểu Lê Hoài Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu rõ không thể đòi hỏi tất cả người dân biết hết để cho ý kiến hết vào các luật nhưng trong quá trình làm luất rất cần huy động lấy ý kiến những đối tượng có lợi ích liên quan, những người có điều kiện nghiên cứu, có nhận thức và có điều kiện tham gia góp ý. Việc không được lấy ý kiến đầy đủ hoặc lấy ý kiến nhưng không tham gia góp ý cũng ảnh hưởng đến chất lượng của luật, có thể dẫn đến tính không ổn định của pháp luật.
Đại biểu Lê Hoài Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế
Do đó, đại biểu Lê Hoài Trung đề nghị các cơ quan Quốc hội, Chính phủ ngoài đăng tải dự thảo luật lên cổng thông tin điện tử theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể tổ chức mời những người có liên quan trực tiếp đến để đóng góp ý kiến,.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) còn nặng về yếu tố kĩ thuật, cần luật hóa các nội dung mang tính kĩ thuật. Trong khi tác động xã hội của dự án Luật này là rất lớn cả về đối nội, đối ngoại. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho biết, có nhiều ý kiến trong đó có các nước phát triển cho rằng trong quá trình ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ mà kiểm soát tốt sẽ phát huy được cơ hội, thúc đẩy sự phát triển, kể cả kinh tế - xã hội và các mặt khác nhưng nếu không kiểm soát tốt thì sẽ đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, mặt trái của công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng
Đại biểu đề nghị rất cần cân nhắc về quan điểm khi xây dựng luật này là cố gắng luật hóa những nội dung kĩ thuật nều không vẫn nặng về kĩ trị thì sẽ khó áp dụng. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ, pháp luật điều chỉnh hành vi xã hội dựa trên điều chỉnh các nhóm quan trọng là chủ thể quản lý, kể cả nhà nước; đối tượng cần điều chỉnh và các yếu tố tác động đến chủ thể quản lý và đối tượng liên quan. Nếu không làm rõ được các nhóm vấn đề này thì khi soạn thảo sẽ vẫn nghiêng về phía cơ quan quản lý. Đại biểu chỉ rõ ngay trong chính dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này, quyền được bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông điều chỉnh rất ít. Hay như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nói về quản lý nhà nước là liệt kê các nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng lại thiếu quy định về chế tài xử lý chủ thể quản lý không thực hiện được nhiệm vụ.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh phải làm rất rõ các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng bị điều chỉnh bởi pháp luật và điều chỉnh hành vi của những tác động vào cả hai chủ thể quản lý và đối tượng áp dụng. Khi đó, văn bản luật mới bảo đảm cân đối, bảo đảm các chủ thể công bằng trước pháp luật, bảo đảm cho hiệu quả luật khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình quan tâm đến đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, theo đó tại khoản b điểm 4 Điều 6 dự thảo luật quy định: Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Đại biểu đề nghị trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông cần thông báo cho khách hàng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Điểm a khoản 2 Điều 67 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; công bố, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết nội dung này chưa thống nhất, phù hợp với Luật Quy hoạch, cần rà soát phù hợp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhất trí với việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định hạ tầng số và bảo đảm an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt. Ngoài ra, nước ta cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số để đến năm 2025, tỷ trọng của kinh tế số trong tổng GDP cả nước là khoảng 20%.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đề cập về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Tạ Đình Thi khẳng định, đây là điều khoản đã được quy định trong Luật Viễn thông hiện hành. Qua tổng kết đánh giá cho thấy, quỹ này vận hành cũng rất khó khăn. Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua thì cần thiết phải duy trì quỹ. Còn loại ý kiến thứ hai là cần phải đánh giá kỹ hơn về sự đóng góp của quỹ.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Điều quan trọng là chúng ta phải huy động được nguồn lực và các cơ chế để chi tiêu cho quỹ này đáp ứng được yêu cầu thực sự hiệu quả. Vì thế, cần bổ sung vào trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) các nội dung quy định để đảm bảo nuôi dưỡng và huy động được nguồn thu cho quỹ cũng như cơ chế chi tiêu của quỹ đạt hiệu quả.