CẦN CÔNG KHAI KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG

05/08/2023

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân được biết.

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh thống nhất với nội dung ở phạm vi Điều 1, Điều 2, đó là quy định đối với việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người bệnh nặng hoặc không công tác trên 6 tháng hoặc những người đã có thông báo nghỉ chờ hưu hoặc là nghỉ hưu hoặc bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu cũng thống nhất trong Điều 12, sửa đổi, bổ sung tại Điều 12, Điều 17 như dự thảo quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và người được bỏ phiếu tín nhiệm rất cần thiết. Đây là một trong những vấn đề chúng ta vướng trong Nghị quyết 85/2014. Nội dung này trong Điều 12 khoản 1 được quy định, "người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến 2/3 trong tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể chọn phương thức xin từ chức".

Đại biểu cho biết, trước đây, tại Nghị quyết 85 không quy định phương thức này nên từ chức hoặc được giải quyết cũng không thống nhất và không có cơ sở để giải quyết, gây khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, đối với Điều 19 về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân được biết thì đây cũng là quy định phù hợp, bởi vì đây là những đại biểu do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu, cho nên việc công khai trong này cũng là một động lực để cố gắng.

Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy -  Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, đây là một hồ sơ dự thảo nghị quyết đã được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rất chặt chẽ. Về thành lập Ban soạn thảo, Ban soạn thảo được thành lập với rất nhiều thành phần, ngoài Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn có Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, lãnh đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân một số địa phương cũng là thành viên của Ban soạn thảo để nghe được hết những tiếng nói của các thành phần của các cơ quan có liên quan và một số các cơ quan khác. Đại biểu nhấn mạnh, thành phần Ban soạn thảo như vậy rất phù hợp. Trong quá trình làm thì đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội được giao chủ trì việc này đã trực tiếp có nhiều buổi làm việc với các thành viên Ban soạn thảo, với cơ quan thường trực là Ban Công tác đại biểu để có những ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với những vấn đề về nội dung.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy -  Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp đối với dự thảo Nghị quyết này và có những ý kiến rất cụ thể về từng vấn đề để thuận lợi cho các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã họp về dự thảo nghị quyết này và đưa ra những kết luận rất cụ thể về sáu nội dung cần phải tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết. Theo quy trình chung về xây dựng ban văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến chung theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời rất nhiều các cơ quan có liên quan, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, lãnh đạo các địa phương cũng tham dự các cuộc họp của Thường vụ Quốc hội để đóng góp sâu sắc cho Nghị quyết này... và rất nhiều hoạt động khác. Công tác chỉ đạo cũng như triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết này đã được tiến hành một cách rất bài bản, chặt chẽ, đúng như vị trí quan trọng, tính chất quan trọng của Nghị quyết về vấn đề liên quan đến nhân sự và đánh giá tín nhiệm của nhân sự.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, qua theo dõi quá trình xây dựng và quá trình thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết này, đại biểu tham gia vào ba vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là về tên gọi của Nghị quyết. Qua theo dõi quá trình thảo luận dự thảo Nghị quyết này, đại biểu cho biết, có hai loại ý kiến về tên gọi của Nghị quyết. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị là giữ tên gọi như là Nghị quyết 85, là Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Loại ý kiến thứ hai thì đề nghị sửa là Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Vì ý kiến thứ hai cho rằng các đối tượng trong dự thảo chưa bao gồm những người giữ chức vụ khác mà đang, đã do Quốc hội hoặc là Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn. Ví dụ như là đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc là đối với thành viên Hội đồng Quốc phòng, an ninh, lý của ý kiến thứ hai cho rằng như vậy.

Qua nghiên cứu dự thảo và theo dõi quá trình, xây dựng đại biểu tán thành với tên gọi mà dự thảo nghị quyết hiện nay đang lấy để xin ý kiến đại biểu Quốc hội là chúng ta vẫn giữ như Nghị quyết 85, tức là đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và việc này không mâu thuẫn. Bởi vì ở trong Điều 1 và Điều 2 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh cũng đã quy định rất cụ thể rồi, tên gọi như thế nhưng cụ thể là sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh quy định liệt kê cụ thể tại Điều 2 này, đại biểu cũng cho rằng để tên gọi như vậy rất chặt chẽ và việc sử dụng ổn định từ thời gian từ năm 2012 đến nay đối với những nghị quyết như thế này đã nhận được sự tán thành cao từ các đại biểu.

Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm ở Điều 2, đại biểu cơ bản là tán thành với Điều 2 của dự thảo nghị quyết và trong Điều 2 của dự thảo nghị quyết cũng có bổ sung thêm là không lấy phiếu tín nhiệm đối với những người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo mà có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ sáu tháng trở lên theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, đây là diện bổ sung. Việc bổ sung này rất là cần thiết vì phù hợp với thực tế hiện nay cũng không thể tránh khỏi những việc mà có thể xảy ra. Trên thực tế có những đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mà có mắc phải bệnh hiểm nghèo thì không thể tham gia điều hành công tác được và điều đó cũng thể hiện tính nhân văn, phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên để đảm bảo tính chặt chẽ, đại biểu đề nghị đối với Điều 2 của dự thảo nghị quyết này, cơ quan soạn soạn thảo cần nghiên cứu thêm là phải có xác nhận của cơ sở y tế. Trong mảng tư pháp thì những luật, đạo luật về tố tụng tư pháp hiện nay khi có những quy định liên quan phải có xác nhận cơ sở y tế đối với các đối tượng cụ thể trong các luật tư pháp này thì cũng thường quy định rất rõ là phải có xác nhận cơ sở y tế của cấp nào, xã, cấp huyện hay trung ương hay là như thế nào. Nếu chỉ đề là phải có xác nhận của cơ sở y tế như là trong dự thảo thôi thì ở trong phạm vi Quốc hội thì có thể cũng không phải là vướng mắc, nhưng khi triển khai xuống Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan ở cơ sở thì có thể sẽ xảy ra những tình huống cụ thể khác, có trường hợp rơi vào bệnh hiểm nghèo và đã nghỉ chỉ đạo điều hành sáu tháng rồi, trong trường hợp này thì phải là cơ sở y tế cấp nào, cấp huyện có được không hay là lại phải cấp tỉnh hay là bệnh viện trung ương.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bổ sung quy định cho chặt chẽ, cụ thể. Đại biểu cho rằng có thể gắn với Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới nói về cấp cơ sở thì không chỉ chia theo hành chính. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có thể chưa lường đến việc này, nhưng nếu mà không có quy định hoặc không hướng dẫn cụ thể thì sau này có thể địa phương khi triển khai việc này cũng sẽ hỏi và chờ hướng dẫn. Để cho địa phương kịp thời hơn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung ý này.

Về giải thích thuật ngữ lấy phiếu tín nhiệm tại khoản 1 Điều 3, đại biểu cho rằng thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” là thuật ngữ mà lần này có sửa so với Nghị quyết 85. Cụ thể, định nghĩa lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ. Phần định nghĩa đã bổ sung ý: để làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm; bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn mới bổ nhiệm.

Trước đây Nghị quyết 35 năm của Quốc hội khóa XII, đến Nghị quyết 85 của Quốc hội khóa XIV thì định nghĩa, giải thích từ ngữ lấy phiếu tín nhiệm chỉ đến mức độ là để làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ. Còn trong dự thảo hiện nay thêm là để đưa ra khỏi quy hoạch, đưa ra khỏi quy trình, để làm thủ tục cho tổ chức tín nhiệm, đại biểu cho rằng cần cân nhắc không nên đưa vào dự thảo. Bởi vì nó chỉ là hệ quả của việc không đạt được tín nhiệm theo quy định, và điều chúng ta đang làm quy phạm để giải thích từ ngữ thì không nên đưa những phần không thuộc về giải thích từ ngữ vào.

Minh Hùng