CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHIÊN HỌP THỨ 25 CỦA UBTVQH SẼ XEM XÉT CHO Ý KIẾN, QUYẾT ĐỊNH KHỐI LƯỢNG LỚN CÔNG VIỆC VỚI QUY TRÌNH KỸ LƯỠNG CHẶT CHẼ

14/08/2023

Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là một trong những phiên họp có khối lượng nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với khoảng 20 nội dung tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ THỨ 25 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với khối lượng công việc của phiên họp lớn, thời gian phiên họp tương đối dài, tổng số 7 ngày. Do đó, phiên họp được tổ chức thành  2 đợt để vừa đảm bảo hoàn thành các nội dung trong chương trình phiên họp, vừa đảm bảo hoàn thành các chương trình công tác khác trong tháng. Theo đó, Đợt một từ ngày 14/8 đến ngày 18/8. Đợt hai từ ngày 24/8 đến ngày 25/8.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tóm lược những nội dung chính của phiên họp.

Nhóm vấn đề thứ nhất về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với các nội dung liên quan của 5 chuyên đề giám sát và sẽ tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ nhất, theo chương trình kế hoạch giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn định kỳ. Một năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hai phiên chất vấn vào tháng 3 và tháng 8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, được cử tri và Nhân dân hết sức mong đợi. Do đó, cả chất vấn và trả lời chất vấn và phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, góp phần phát huy tính dân chủ, pháp quyền, công khai và minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào phiên họp tháng 7 trước đó. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần cho ý kiến về chuyên đề giám sát quan trọng này. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 7, Đoàn giám sát đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết. Đến nay, tài liệu đã được chuẩn bị khá hoàn chỉnh. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và ra nghị quyết đối với chuyên đề giám sát.

Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của 53 Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn và trả lời chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nhóm nội dung quan trọng nhất để tiến hành chất vấn. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào các vấn đề về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa cho đến nay, việc nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, công tác kiểm soát quyền lực và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác đấu giá cũng như giám định tư pháp.

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và vấn đề giá gạo và xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về kết quả giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đây là một chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung đã được Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến sơ bộ. Trưởng Đoàn giám sát là Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tổ chức triển khai rất quyết liệt, toàn diện. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu, trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo Nghị quyết. Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức đối với chuyên đề giám sát này tại phiên họp tháng 9, và dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là cách làm kỹ lưỡng, mỗi chuyên đề giám sát đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 lượt, để Đoàn giám sát có thời gian chuẩn bị, bảo đảm chất lượng tốt hơn.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch và đề cương báo cáo của các chuyên đề giám sát trong năm 2024. Đó là, chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Nhóm vấn đề thứ hai về công tác lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về 11 dự án luật và dự thảo nghị quyết để chuẩn bị nội dung trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Viễn thông (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối 2 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ khối lượng công tác lập pháp tại phiên họp này là rất lớn, trong đó có nhiều dự án luật phức tạp, quan trọng, được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, điển hình là nhóm 3 dự án luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đây là 3 dự án luật được trình xem xét, quyết định tại cùng một kỳ họp, có tác động lớn về kinh tế - xã hội, có quan hệ chặt chẽ với nhau và cũng liên quan trực tiếp điểm các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Do đó, cần phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao để khơi thông các nguồn lực phát triển, để thể chế hóa đúng đắn và đầy đủ các nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, cần hết sức lưu ý tránh những vướng mắc về thể chế, sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất và đặc biệt tránh có những sơ hở có thể dẫn tới tiêu cực, lãng phí, thậm chí là có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, nhóm các luật thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh tại phiên họp này cũng chiếm số lượng không nhỏ, với 3 dự án luật là Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là những dự án luật quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trong tình hình mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến cụ thể. Trong đó cần tiếp tục cùng với Chính phủ đánh giá một cách thẳng thắn, toàn diện và cầu thị về tác động của các quy định, nhất là về tổ chức biên chế, ngân sách và các mặt kinh tế - xã hội khác để góp phần hoàn thiện các dự án luật, đảm bảo được tính thuyết phục khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Bên cạnh đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đặt ra nhiều vấn đề có tính chất thời sự, tác động lớn đến các đối tượng. Bảo hiểm xã hội là một lưới an sinh xã hội rất cơ bản. Đây là vấn đề thời sự, được người sử dụng lao động và người lao động đều rất quan tâm.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự thảo nghị quyết quy định chi tiết nội dung được giao để triển khai thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua. Cụ thể là, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi, phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Luật đã quy định các nội dung này giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết. Tuy sẽ được thông qua theo quy trình rút gọn nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành theo quy trình 2 bước, cho ý kiến trong đợt 1 và xem xét thông qua tại đợt 2 của phiên họp để bảo đảm chặt chẽ. Trường hợp, nội dung Nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao có thể biểu quyết ngay trong đợt 1 của phiên họp.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Nhóm vấn đề thứ ba, các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn 2023-2026.

Đồng thời, xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 7.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 7 ngày với 20 nội dung quan trọng, cùng với phiên họp tháng 9 sẽ tập trung giải quyết khối lượng công việc lớn chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, là giai đoạn cao điểm trọng tâm trong chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội của cả năm. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tiếp tục cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác đã có trong Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Ngoài ra, Chính phủ đã có văn bản đề nghị bổ sung một số nội dung mới và chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chủ tịch quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đến các nội dung này để sớm có hồ sơ, tránh việc chậm gửi tài liệu ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu và chất lượng của các dự án luật. Đồng thời, ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đối với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau hoặc những vấn đề quan trọng của một số dự án luật.

Để bảo đảm phiên họp được tiến hành hiệu quả, đảm bảo chất lượng của các nội dung được xem xét, cho ý kiến, quyết định tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, các tờ trình, các dự án luật, cho ý kiến sâu về những lĩnh vực mà mình phụ trách, đồng thời tham gia đóng góp cho những nội dung khác của các Ủy ban khác, của các cơ quan khác của Quốc hội.

Đối với các nội dung Chính phủ mới đề nghị bổ sung, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội căn cứ phạm vi, lĩnh vực phụ trách phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan để bám sát tiến độ chuẩn bị, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc bố trí chương trình phiên họp, cũng như xem xét vấn đề nội dung./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác