CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NGHIÊM TÚC ĐÁNH GIÁ, RÚT KINH NGHIỆM TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

14/08/2023

Chiều 14/8, tại Nhà Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Ghi nhận cách làm nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm, khoa học và có nhiều đổi mới của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo kết quả giám sát với nhiều nội dung, giải pháp, kiến nghị có giá trị về lý luận và thực tiễn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/8: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Tổ chức triển khai giám sát chuyên đề một cách thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc, trách nhiệm

Theo chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên một phiên họp giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội này được phát thanh, truyền hình trực tiếp bởi đây là nội dung hết sức quan trọng, được Nhân dân và cử tri rất quan tâm, theo dõi. Chuyên đề này rất có ý nghĩa trong điều kiện chúng ta đang tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, với tầm quan trọng của chuyên đề giám sát lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất thận trọng và kỹ lưỡng trong chỉ đạo, cho ý kiến về đề cương giám sát và kế hoạch chi tiết, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp, khảo sát thực tế. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã trực tiếp hai lần nghe báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần thứ nhất để thống nhất một số ý kiến trước khi Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan của Chính phủ và tiến hành giám sát chính thức tại phiên họp lần này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Qua báo cáo giám sát và các ý kiến thảo luận cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trực tiếp làm Trưởng đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh là Phó trưởng Đoàn thường trực và cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc cùng tất cả các cơ quan của Quốc hội đều tham gia giám sát. Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch, các quy định của pháp luật, làm việc rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm, khoa học và có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng kết quả giám sát. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và đánh giá cao sự phối hợp rất chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành trung ương có liên quan, các địa phương và sự phối hợp rất có trách nhiệm, tích cực của Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Đoàn giám sát và các ý kiến phát biểu tâm huyết, giá trị tại phiên họp, nhất là ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chắt lọc ra và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy báo cáo giám sát lần này đã cung cấp bức tranh tổng thể, toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông và có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Về đánh giá chung, Chủ tịch Quốc hội thống nhất cao với việc đánh giá của Đoàn giám sát về việc Chính phủ quán triệt tổ chức triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 rất nhất quán và có trách nhiệm. Nhấn mạnh kết quả được Đoàn giám sát chỉ rõ là tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và rất đáng ghi nhận. Qua đó khẳng định Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 là đúng hướng. Đồng thời lưu ý rằng, cải cách không thể nào ngày một ngày hai mà phải có thời gian, có quá trình vừa làm vừa tìm tòi, điều chỉnh, đổi mới. Quá trình này không thể nóng vội, phải rất bình tĩnh.

Điểm lại một số kết quả cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hệ thống văn bản được ban hành tương đối toàn diện, bao quát các mặt, các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới và đúng với tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển, bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới. Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên được bố trí tập huấn đầy đủ phục vụ chương trình mới. Nhà nước cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và triển khai chương trình mới.

Hiểu đúng tính thần của Nghị quyết 88/2014/QH13

Về hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ý kiến của Đoàn giám sát là có cơ sở. Theo đó, bên cạnh các kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 còn nhiều tồn tại, hạn chế. 

Báo cáo giám sát đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ, trong đó chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành chậm 30 tháng. 18 nội dung được giao hướng dẫn nhưng chưa ban hành văn bản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng của Luật Giáo dục năm 2019; một số văn bản chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Công tác tuyên truyền, quán triệt, đổi mới chương trình chưa thực sự hiệu quả, còn có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, chủ động phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi tiêu cực, sai phạm trong thời gian vừa qua còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai. Phải tiếp tục xem xét, đánh giá kỹ vai trò của sách giáo khoa, không chỉ là học liệu đơn thuần. Đánh giá chương trình này và các nội dung trong các bộ sách giáo khoa đã đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu cải cách lần này là chuyển trọng tâm từ cung cấp và truyền thụ kiến thức sang trọng tâm nâng cao năng lực và phẩm chất người học. 

Tiếp tục đánh giá việc thiết kế môn học, nhất là môn học lịch sử, việc tích hợp các môn học ở bậc trung học cơ sở. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng mục tiêu của tích hợp là chuyển từ lượng thành chất chứ không phải chỉ là vấn đề cộng các kiến thức của các phần với nhau một cách đơn thuần. Cùng với đó là đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, thi, kiểm tra chưa triệt để và chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu là chuyển sang đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Giá sách giáo khoa, nhất là chi phí phát hành sách giáo khoa cao là chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là nội dung thể hiện được ý kiến của dư luận xã hội và có cơ sở khoa học. Bởi Đoàn giám sát đã tổ chức biên soạn rất nhiều các chuyên đề nghiên cứu cá biệt và đặt hàng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu để nghiên cứu một cách đầy đủ.

Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về vấn đề này theo Nghị quyết 88/2014/QH13. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu trong phát triển giao dục và đào tạo phải “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”, “chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường”. Luật Giáo dục năm 2019 quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”. Theo tinh thần của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách); các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa. 

Ngoài ra còn có những hạn chế chế khác trong cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình nội dung giáo dục phổ thông, quản lý các rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng và yêu cầu; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa, thực hiện chính sách xã hội đối với học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo v.v..Việc triển khai chương trình mới ở đồng thời cả 3 cấp học cũng dẫn đến công tác chuẩn bị gấp rút, gặp nhiều khó khăn, lúng túng cho điều hành. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn chưa đáp ứng được yêu cầu, phòng học, phòng bộ môn, thư viện còn thiếu nhiều.

Quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước

Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình cơ bản với đề nghị của Đoàn giám sát. Theo đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, các ngành và địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát.

Để triển khai tiếp tục Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm một số nội dung:

Thứ nhất, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, do đó, cần quán triệt sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong vấn đề này; thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội.

Toàn cảnh phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện thể chế, nhất là những vấn đề báo cáo giám sát đã chỉ ra, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai chương trình mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị  trong Nghị quyết giám sát phải có danh mục các văn bản, trong đó xác định rõ văn bản nào cần ban hành mới, văn bản phải sửa đổi và có thời hạn hoàn thành để làm cơ sở hậu giám sát

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn để tạo sự thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục quản lý chặt chẽ, thường xuyên rà soát, đánh giá, hoàn thiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 88/2014/QH13.

Thứ năm, chú trọng chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, quản lý chặt chẽ sách giáo khoa.

Thứ sáu, nghiên cứu để giải quyết căn bản vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ bằng nhiều phương thức về cách thức khác nhau, vừa đảm bảo cơ cấu và đảm bảo về chất lượng. Nghiên cứu đề xuất chính sách về giáo dục giáo viên, nhất là trong quá trình chuẩn bị luật điều chỉnh về nhà giáo.

Thứ bảy, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án lớn đã được phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách./.

Bảo Yến