CẦN SỚM BAN HÀNH PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ ĐỂ GIẢM GIÁ SÁCH GIÁO KHOA

15/08/2023

Báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông” tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra bất cập về chi phí phát hành cao, nên giá sách giáo khoa chưa hợp lý. Do đó, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa. Đây là kiến nghị được cử tri và nhân dân mong đợi sau giám sát, nhằm chấm dứt tình trạng lợi ích nhóm trong thẩm định, chọn sách, biên tập, in ấn và xuất bản sách giáo khoa.

ĐÁNH GIÁ THẲNG THẮN, TOÀN DIỆN CÁC NỘI DUNG VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Chi phí cung ứng phát hành gần 30% khiến giá SGK mới cao hơn 2-4 lần giá sách cũ

Tại phiên họp 25 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông” cho biết, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vẫn nhiều tồn tại, hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông” 

Trong đó, cốt lõi nhất là báo cáo đã chỉ rõ được thực trạng và nguyên nhân làm tăng gía sách giáo khoa. Nếu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Cụ thể, đối với Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000 đồng/cuốn. Trong khi đó, bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn. Các bộ sách giáo khoa lớp 2 mới có giá 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000 đồng/cuốn, trong khi bộ cũ có giá 53.000 đồng.  Bộ sách lớp 3 có giá 177.000 - 183.000 đồng, trong khi bộ hiện hành giá 58.000 đồng.  Bộ sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng. Sách lớp 10 giá 246.000-301.000 đồng một bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 - 140.000 đồng. Các mức này chưa bao gồm sách tiếng Anh.

Báo cáo cũng chỉ rõ, chi phí phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo là cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành là các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền, công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục miền phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022, cụ thể: Đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Với căn cứ này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với mức chiết khấu quy định tỷ lệ là 29 đến 29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định, thì việc quy định chi phí phát hành là quá cao. Trong khi đây là một trong yếu tố cấu thành nên giá bán sách giáo khoa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa tăng cao, gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách. Từ đó dẫn đến tình trạng, nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề tại phiên họp 25 Uỷ ban thường vụ Quốc hội 

Cần sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian; nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá sách giáo khoa theo yêu cầu của Luật Giá (sửa đổi), bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm, giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh đến việc nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay.

Hiện theo Luật Giá mới có hiệu lực từ 1/7/2024 thì sách giáo khoa sẽ được nhà nước quy định giá tối đa. Hiện tại có 2 nhà xuất bản in sách giáo khoa là Nhà xuất bản Giáo dục và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam. Năm 2022 và 2023 thì tỷ lệ chiết khấu của cả 2 nhà xuất bản này từ mức 21-22,5% chi phí. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tỷ lệ chiết khấu này vẫn là cao. Với hạn chế này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là đúng đắn, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13. Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK. 

Người dân kỳ vọng sau giám sát giá sách giáo khoa sẽ giảm (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông” đã cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá, giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỉ lệ chiết khấu để giảm giá sách đảm bảo phù hợp cho mọi đối tượng người dùng. Hơn 213.000 tỉ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách, đã được Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mấy năm qua. Chắc chắn người dân mong đợi giá sách giáo khoa giảm xuống, chất lượng giáo dục đi lên. Hy vọng những kiến nghị của báo cáo giám sát sẽ được hiện thực hoá nhằm tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét cho đổi mới toàn diện giáo dục, chấm dứt tình trạng lợi ích nhóm trong thẩm định, chọn sách, biên tập, in ấn và xuất bản sách giáo khoa.

Hải Yến