SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN, CẦN NGHIÊN CỨU ĐIỀU CHỈNH BIÊN ĐỘ GIỮA MỨC TIỀN ĐẶT TRƯỚC TỐI THIỂU VÀ TỐI ĐA

19/08/2023

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến mức tiền đặt cọc trước khi đấu giá. Có ý kiến cho rằng, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá tối thiểu 10% giá khởi điểm của tài sản đấu giá; Nhưng có ý kiến lại đề nghị, thực hiện nguyên tắc, giá trị tài sản càng lớn thì số phần trăm đặt cọc càng nhỏ. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

Nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi
 
Hiện nay, tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được ban hành mới đây, Chính phủ đã phê duyệt tăng mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.Theo quy định mức tăng tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá đất lên 20% giá trị của thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá, tăng gấp 4 lần so với quy định trước đây, nhằm ngăn chặn bỏ cọc khi tham gia đấu giá đất. Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định này thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.

Từ đó để tương thích với các loại hình đấu gía tài sản khác nhau, tại Khoản 1a, Điều 39, dự thảo Luật đấu giá tài sản đã quy định tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản phải khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu giá tài sản, như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông giá”... thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, bền vững của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam, dự thảo Luật nên quy định mức tiền đặt trước của người tham gia đấu giá tối thiểu là 10% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, vì người mua có nhu cầu mua phải có năng lực về tài chính, tránh tình trạng bỏ tiền đặt trước. 

Ông Phan Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN

Còn quan điểm của ông Phan Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, nên phân chia giá trị tài sản để quy định số tiền đặt trước, bởi nếu quy định cứng trong Luật theo tỷ lệ đặt trước 20% là quá cao, nhất là với số tiền hàng trăm tỷ đồng để đặt trước, doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận lớn rất nhiều so với tiền gửi ngân hàng, mặt khác trong một thời gian ngắn người mua rất khó đáp ứng được lượng tiền như vậy. Ông Phan Văn Lâm đề nghị, nên thực hiện nguyên tắc, giá trị tài sản càng lớn thì số % đặt cọc càng nhỏ. Ngoài ra có thể bổ sung chế tài nếu trúng đấu giá không mua tài sản có thể bị phạt 20% giá trị tài sản trúng đấu giá để bảo đảm giá tài sản không bị thổi phồng nhằm mục đích xấu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia, tại phiên họp thường vụ 25 khi cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ việc vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, mức thu tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất có biên độ áp dụng quá lớn, không thống nhất (có nơi cao, nơi thấp khác nhau). Điều này dẫn đến xuất hiện hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi. Theo một số ý kiến, việc nâng tỉ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tỉ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Điều 48), Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới được hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ.Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn nộp tiền hợp lý, khả thi, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Điều 48), Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới được hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn nộp tiền hợp lý, khả thi, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Về Cổng đấu giá tài sản quốc gia, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp. Tại các quy định trên đã làm rõ về trách nhiệm của tổ chức vận hành Cổng đấu giá tài sản quốc gia cũng như việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào Cổng đấu giá tài sản quốc gia, trong đó có bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như: Bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…; bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản vô hình, loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn, vậy loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào? Theo Chủ tịch Quốc hội, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Vì vây, cần rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức đấu giá (gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính) để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

Nghiên cứu phương thức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đấu giá viên

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản của Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh việc cần thiết xem xét bổ sung quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, các đại biểu cho rằng, đây là thành phần quan trọng làm nên thành công buổi đấu giá.

Góp ý nội dung tại Khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật “đấu viên viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm”, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm đề nghị, không nên quy định bồi dưỡng nghiệp vụ là bắt buộc, vì đã có chứng chỉ hành nghề bắt buộc theo quy định. 

TS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Thu Hồng, đại diện Học viện Tư pháp, là một trong những đơn vị đào tạo đấu giá viên cho rằng, hiện nay các chức danh bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, bên cạnh tiêu chuẩn về chứng chỉ hành nghề, cũng có quy định bắt buộc phải bồi dưỡng hàng năm. Do vậy quy định bồi dưỡng đấu giá viên hàng năm cũng tương đồng với các chức danh bổ trợ tư pháp khác.  Về thực tiễn, tác động của Luật Đấu giá tài sản rất rộng, chúng ta có tới gần 20 tài sản phải bán thông qua đấu giá. Khi bán tài sản thông qua đấu giá, bên cạnh trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản, đấu giá viên phải tuân theo quy định về đặc thù trước đấu giá, sau đấu giá theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó, các luật chuyên ngành luôn thay đổi với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc bồi dưỡng bắt buộc hàng năm là rất cần thiết. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Hải Yến

Các bài viết khác