ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ NHÓM ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH BẮT BUỘC
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.
Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); Hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Hưởng BHYT do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; Hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 02 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 77, cụ thể:
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần; Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội
Góp ý vào nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế: Việc rút BHXH một lần nếu chưa đủ tuổi về hưu là rất hạn chế về cả phương diện lý thuyết và thực tế thực hiện, cụ thể:
Chức năng của BHXH là phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và thai sản), và dài hạn (tử tuất và hưu trí). Nếu các biến cố trên chưa xảy ra, thì không sử dụng BHXH;
Trong trường hợp người lao động bị thất nghiệp, không có việc làm, thì sử dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cần tăng cường sự tham gia BH thất nghiệp.
Cho rằng, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương tán thành phương án 2 của dự thảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, việc rút BHXH khi không có việc làm là chưa phù hợp với bản chất của BHXH, cần sử dụng BH thất nghiệp để bù đắp thu nhập do bị mất việc làm. Tuy nhiên, đối với trường hợp NLĐ không tham gia BHTN, thì việc cho rút một phần BHXH cũng là giải pháp hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn.
Việc chỉ cho rút 50% cũng là điều kiện để người lao động tiếp tục tham gia BHXH và quan trọng hơn là bảo đảm cho họ có hưu trí khi về già.
Cũng cần lưu ý là, ngoài các tác dụng trên, phương án này còn đưa ra một gợi ý về thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt trong tương lai: Thực tế là nhiều người lao động không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, không được rút ra để có thêm một khoản thu nhập nào để cho nhu cầu cá nhân/hộ gia đình trong tương lai, thiết kế BHXH nên có cho phép người lao động có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm một số nhu cầu cá nhân. Nhiều nước cũng thiết kế hệ thống BHXH cho phép rút một phần thu nhập.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật
Bàn về nội dung này, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật cho rằng, đây là vấn đề lớn. Hai phương án do cơ quan trình Luật đưa ra đều có ưu điểm nhưng cũng đều có những nhược điểm. Nhấn mạnh cả hai phương án đều chưa phải là những phương án hay nhất, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ kiến nghị, nên thiết kế các phương thức linh hoạt hơn để cho người lao động lựa chọn. Theo đó, PGS. TS đề xuất các phương thức sau đây:
Phương thức thứ nhất: Cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như dự kiến của dự thảo Luật. Đồng thời cho phép tái tục BHXH khi người lao động muốn quay lại đóng tiếp BHXH sau thời gian ngưng đóng. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung. Tức là về nội dung chính sách như phương án 1 của Ban soạn thảo nhưng không nên chia thành hai diện đối tượng, gây bất bình đẳng và sự phức tạp của chính sách, làm tăng chi phí tuân thủ.
Phương thức thứ hai: Người lao động không rút BHXH một lần mà được dùng sổ BHXH để cầm cố vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để có tiền giải quyết những khó khăn trước mắt. Tất nhiên cần phải quy định chặt chẽ điều kiện vay vốn của NHCSXH, trong đó phải có điều kiện là mất việc làm, không có thu nhập và không có khả năng đóng tiếp BHXH; có phương án sử dụng vốn vay khả thi. Nếu người lao động tìm được việc làm mới, có thu nhập thì hoàn trả vốn vay và tiếp tục tham gia đóng BHXH. Trường hợp đến hạn trả nợ mà người lao động không trả được nợ thì NHCSXH sẽ thu hồi khoản nợ thông qua sổ BHXH đang cầm cố. Thực tiễn nhiều trường hợp muốn rút BHXH một lần không phải vì họ sốt ruột không đợi được đến khi nghỉ hưu mà vì mất việc và quá túng quẫn nên buộc phải rút BHXH để trang trải cuộc sống. Nếu được cho vay với lãi suất hợp lý từ NHCSXH thì sẽ xử lý được các trường hợp này và người lao động có thể tái tục việc đóng BHXH khi có việc làm, thu nhập, đồng thời hạn chế được tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, làm bần cùng hóa người nghèo hiện nay. Đây lại là một mũi tên trúng hai đích, chúng ta nên nghiên cứu, thực hiện.
Theo PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, với hai phương thức nêu trên nhưng đã cho người lao động tới 3 sự lựa chọn và luôn mở cửa, khuyến khích để người lao động tái tục, quay trở lại tham gia BHXH khi có điều kiện. Kể cả trường hợp người lao động rút một lần nếu muốn tái tục thì cần hoàn trả lại số tiền đã rút một lần và đóng tiếp cho số năm tạm ngưng đóng, có thể cộng thêm một mức lãi suất nhất định, hợp lý để bảo đảm quyền lợi của cả nhà nước và cả người lao động mà hai bên có thể chấp nhận được. Thậm chí có thể thêm cả phương án 2 (được rút 50%) như đề xuất của cơ quan trình Luật thì sẽ có tới 4 sự lựa chọn cho người lao động./.