7 NỘI DUNG TRỌNG TÂM CẦN NGHIÊN CỨU, XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)
Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật
Tán thành với việc bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật cho rằng, việc bổ sung đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ cũng lưu ý, để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ cần phải có các giải pháp mới trong tổ chức thực hiện, đó là trách nhiệm, là quy trình, thủ tục của các cơ quan triển khai chính sách. Đặc biệt là các thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản,…
Đồng thời, đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng này. Theo đó, cần thiết kế các chính sách ưu đãi đi kèm với chính sách BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này. Nếu được thì nên giao cho Chính phủ thiết kế, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích này.
Để thực thi hiệu quả trên thực tế, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ cũng đưa ra đề xuất: Có thể quy định mức đóng của các đối tượng này thấp hơn các đối tượng khác nhưng chế độ thì nên tính toán thiết kế đầy đủ để tạo sự thành công của chính sách. Đồng thời, giao cho Chính phủ nâng dần mức đóng của các đối tượng này cho tương xứng với các đối tượng khác theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người tham gia BHXH.
Hoặc, cũng có thể thiết kế một chính sách BHXH bắt buộc linh hoạt đối với các đối tượng này theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Tức là đưa ra nhiều mức đóng tương ứng với các chế độ thụ hưởng để họ lựa chọn tùy theo khả năng đóng của mỗi người.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội
Nêu quan điểm về nội dung này PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cho rằng, việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chưa thực hiện triệt tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, hiện nay Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới, như kinh tế nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ (GIG), kinh tế số, xã hội số..., dẫn đến xuất hiện nhóm người lao động mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền nền kinh tế GIG, lao động làm việc từ xa.. ), sẽ có đóng góp đáng kể của cho phát triển kinh tế và thị trường lao động.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật BHXH hiện tại chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc hay không? (trong khi trên thế giới nhiều nước đã công nhận nhóm lao động này là có quan hệ lao động). Hơn nữa, nhóm lao động này đa số nhóm này trẻ, có thu nhập khá tốt, và mong muốn được tham gia BHXH, do vậy nếu thu hút được nhóm đối tượng này sẽ tăng cường an sinh xã hội cho họ; tăng diện bao phủ của BHXH, giảm gánh nặng ngân sách cho chính sách hưu trí xã hội.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng đặt vấn đề: Đối với nhóm lao động giúp việc trong hộ gia đình, vẫn không được tham gia BHXH bắt buộc, mặc dù họ có “chủ sử dụng lao động”. Do đó, cần có nghiên cứu đánh giá, bổ sung cho phù hợp.
Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia cũng lưu ý, kinh nghiệm quốc tế cả Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều thống nhất giải pháp để gia tăng số người tham gia BHXH là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp đó là: Quy định mở rộng đối gia bắt buộc và Ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định BHXH bắt buộc và 40% đến từ quy định BHXH tự nguyện với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được tham vấn để hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023). Mục tiêu sửa đổi Luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân; sửa đổi các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn và mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội./.