ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐI VÀO CUỘC SỐNG, ĐÁP ỨNG ĐƯỢC MONG MỎI CỦA NHÂN DÂN
Toàn cảnh phiên họp
Tại cuộc họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo
Để tránh chồng chéo, xung đột, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo luật chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khác đang được sửa đổi cùng với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chuyển sang dự thảo Luật đó điều chỉnh; trường hợp cần sửa luật có liên quan thì sửa đổi đồng bộ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định cụ thể trong Luật những nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao; những nội dung chưa đủ chín hoặc có thay đổi theo sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội thì giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ cũng như sự ổn định của Luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Bên cạnh đó, dự thảo luật tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở. Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung phiên họp.