Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV, sáng ngày 29/8/2023
Theo đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV sáng ngày 29/8 xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Căn cứ tình hình thực tế thời gian Phiên họp sáng 29/8/2023, Hội nghị xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung này.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:
8h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng nay, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật trình Hội nghị.
Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
8h02: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 84 điều (bỏ 09 điều, bổ sung 01 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát về phạm vi điều chỉnh với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản.
Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là cần thiết, tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp khách hàng chấp nhận rủi ro cao hơn để đánh đổi những lợi ích khác. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa bổ sung khoản 3 Điều 26, theo đó khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng được lựa chọn việc có hoặc không có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình.
Về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 1 Điều 72 quy định rõ “bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử”.
Đối với những vấn đề xin ý kiến, về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng: các giao dịch không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản thì quy định tại khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, có 02 phương án như sau:
Phương án 1: Đề nghị không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên không nhằm mục đích kinh doanh và quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật.
Phương án 2: Đề nghị giữ quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật, theo đó, trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải tuân thủ điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh và kê khai nộp thuế đối với hoạt động giao dịch bất động sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Phương án 1.
Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến nhất trí về sự cần thiết quy định về đặt cọc trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định đặt cọc để đảm bảo giao kết hợp đồng trước thời điểm nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Có ý kiến nhất trí chỉ cho nhận đặt cọc khi “nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh”.
Về nội dung này, có 02 phương án như sau:
Phương án 1: Quy định “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng”.
Phương án 2: Quy định “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này”.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Phương án 1.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản; về công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản; về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 về nhiều nội dung cụ thể; chỉnh lý toàn bộ dự thảo Luật và chuẩn bị dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
8h20:Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hồ sơ dự án luật đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội, đề nghị các đại biểu trao đổi những vấn đề cần rà soát để đảm bảo chất lượng của dự án luật, lưu ý các vấn đề lớn cơ quan thẩm tra cho ý kiến, các vấn đề còn ý kiến khác nhau.
8h21: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần thiết quy định về đặt cọc và thời điểm đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận thấy, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đại biểu góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 6 Điều 23.
Thứ nhất, đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết về quy định đặt cọc và cho rằng, nếu không có quy định về đặt cọc, đặc biệt là số tiền đặt cọc tối đa và về thời điểm đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối. Thực tế hiện nay được đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn vì chúng ta thiếu những quy định này, do đó dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30%-50% tổng giá trị của công trình…
Đại biểu nhận thấy, nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.
Thứ hai, về thời điểm đặt cọc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án 1 theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng. Thời điểm cho phép thu tiền đặt cọc là khi dự án với thiết kết cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Với những ràng buộc pháp lý như vậy, vừa đảm bảo chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại về pháp lý, tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa đảm bảo các yêu cầu thủ tục, chưa được thẩm định, dẫn đến việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép, lừa lấy tiền cọc của người mua hoặc mất cả năm thanh toán trả lại tiền cọc cho người mua….
Nếu quy định thời điểm đặt cọc như phương án 2 thì người mua không bị tác động nhiều nhưng về phía chủ đầu tư, phía người bán sẽ gặp trở ngại, khó khăn trong tính toán kinnh doanh. Do vậy đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, thời điểm đặt cọc như phương án 1 là hợp lý.
8h26: Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Quy định không được mua quá 90% giá trị hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.
Quan tâm đến quy định mua bán bất động sản hình thành trong tương lai tại Điều 25 của dự thảo luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị quy định bên bán, bên mua cho thuê không được mua quá 90% giá trị hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, nhằm tăng trách nhiệm của bên bán trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cho bên mua, đảm bảo quyền lợi của bên thế yếu.
Về bảo lãnh việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai tại khoản 1 Điều 26 dự thảo luật lần này đã bổ sung rõ hơn quy định về bảo lãnh cho việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi bảo lãnh đã được bổ sung mới trong dự thảo luật. Theo đó tổ chức tín dụng bảo lãnh những vụ tài chính của chủ đầu tư bao gồm số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách và các khoản tiền khác Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị dự thảo làm rõ hơn về cáci khoản tiền khác.
Đại biểu cũng băn khoăn về quy định cho phép khách hàng lựa chọn có hoặc không có tổ chức tín dụng bảo lãnh trong nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình. Đây là nội dung bổ sung mới tại dự thảo luật, vì vậy việc bảo lãnh nên được quy định theo hướng là điều kiện bắt buộc với loại giao dịch mua bán này để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người mua.
Về hợp đồng trong kinh doanh bất động sản, đại biểu đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần nghiên cứu quy định cụ thể dễ hiểu, minh bạch đảm bảo đầy đủ pháp lý về hợp đồng kinh doanh bất động sản để người dân doanh nghiệp có căn cứ thực hiện liên quan đến nội dung nội dung này.
8h31: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cần làm rõ thế nào là không nhằm mục đích kinh doanh và nhằm mục đích kinh doanh
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý về dự án luật.
Góp ý tới nội dung tại Điều 9 về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, đại biểu cho rằng không nên quy định như tại khoản 3 dự thảo Luật. Bởi trên thực tế, tổ chức, cá nhân phải có tài sản, công trình, đất thì được thực hiện các quyền về định đoạt tài sản để thực hiện việc chuyển nhượng, cho thuê và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ như thế nào không nhằm mục đích kinh doanh và nhằm mục đích kinh doanh...
Về hình thức kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật quy định 6 hình thức, chủ yếu là kinh doanh bất động sản thông qua đầu tư dự án, đầu tư hạ tầng, thuê mua để bán, cho thuê, nhận chuyển nhượng,… Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng dự thảo Luật chưa đề cập hình thức kinh doanh bất động sản được hình thành từ cá nhân có đất đầu tư nhà ở, công trình xây dựng. Bên cạnh đó, kinh doanh nhà ở, các công trình sẵn có cũng là hình thức kinh doanh. Do đó, đại biểu đề xuất cần cụ thể hoá vấn đề này trong luật.
8h37: Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Quản lý chặt chẽ quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản
Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật cũng như hồ sơ dự án luật, báo cáo giải trình, tiếp thu đã được trình bày, đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đóng góp thêm ý kiến về yêu cầu công chứng hợp đồng kinh doanh bất động sản và sàn giao dịch, môi giới bất động sản.
Đại biểu cho rằng, về công chứng hợp đồng, quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản cần được quản lý chặt chẽ, vì quy định này là rất cần thiết, quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lơi người dân, đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền sở hữu được xác định rõ ràng. Khi niềm tin vào quyền sở hữu được bảo đảm thì sẽ thúc đẩy việc mua bán, đầu tư vào tài sản cũng như sự phát triển minh bạch của thị trường bất động sản. Việc ký hợp đồng mua bán bất động sản, cụ thể là giữa doanh nghiệp bất động sản với người dân mà không yêu cầu công chứng là không hợp lý.
Đại biểu nêu rõ, cơ chế ký mua bán hoàn toàn riêng tư, không có một tổ chức trung gian như tổ chức công chứng để kiểm soát đã gây ra nhiều bất cập, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, lừa đảo, gây tốn thời gian, tiền bạc, làm tổn hại lợi ích của người dân. Đối với hầu hết cá nhân, việc giao dịch nhà ở không thường xuyên diễn ra, do sự phức tạp và không thường xuyên, nên sự hiểu biết của cá nhân người dân về cách thực hiện giao dịch một cách tốt nhất thường bị hạn chế.
Đại biểu cho rằng không nên phó mặc người dân bước vào giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản, đồng thời đề nghị cần quy định rõ về yêu cầu công chứng để quản lý chặt chẽ quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản.
8h42: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Quy định rõ khoản tiền đặt cọc trong giao dịch bất động sản
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với nội dung bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để bên mua và bên bán tin tưởng lẫn nhau…
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này cần bổ sung thêm quy định cụ thể về khoản tiền bảo lãnh (đặt cọc) đối với nhà ở hình thành trong tương lai để xử lý những trường hợp hủy hợp đồng khi mà bên mua và bên bán không thể tự thỏa thuận được với nhau.
Bên cạnh đó, liên quan đến nội dung giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh, sàn giao dịch bất động sản chủ yếu thực hiện hoạt động môi giới trung gian để bán sản phẩm, với mục đích chính là kinh doanh, lợi nhuận… Do vậy, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Việc quy định giao dịch bất động sản bắt buộc qua sàn là không cần thiết. Theo đại biểu, về nội dung này, nhà nước chỉ nên quy định khuyến khích chứ không nên quy định theo hướng bắt buộc.
8h49: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Đề nghị bổ sung nghiêm cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản
Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh bày tỏ đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Về một số nội dung cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như dự thảo luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: đó là thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Phải hành nghề trong một sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới. Để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý tốt các đối tượng này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh bất động sản.
Về trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư, đại biểu đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư trong việc đảm bảo minh bạch thông tin để khách hàng chủ động, an toàn trong việc tìm, mua bất động sản.
8h54: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Tiếp tục rà soát khắc phục tình trạng mâu thuẫn, thiếu thống nhất với hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Tạo cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu nhiều các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, thiếu thống nhất với hệ thống pháp luật, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thuế….
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng nên chế định, công khai minh bạch bất động sản đưa vào kinh doanh, góp phần quan trọng lành mạnh, trọng sạch thị trường hiện nay, khắc phục bất cập trong thời gian qua, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư và của khách hàng. Việc công khai cần chú trọng đến công tác thông tin và truyền thông về các dự án bất động sản trên địa bàn để Nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước được rõ. Trong khi đó, Điều 6 của dự thảo luật mới chỉ quy định công khai thông tin trên trang web của doanh nghiệp.
Đồng thời, quy định chi tiết hơn khoản 1, khoản 2 Điều 6 về doanh nghiệp bất động sản phải cung cấp đầy đủ thông tin công khai, trung thực, chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin công khai về sản phẩm.
Về đặt cọc và huy động vốn là vấn đề phát sinh nhiều tranh chất, dẫn tới khiếu kiện đông người, vì vậy đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi luật cần quy định rõ tiến độ như thế nào mới được phép chuyển nhượng dự án; xác định rõ tỷ lệ hoàn công, được các cơ quan nhà nước kiểm tra; đảm bảo đầu tư hạ tầng đồng bộ…
9h02: Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cơ bản đồng tình với nội dung giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra, nhấn mạnh đây là đạo luật có vai trò quan trọng để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã được tiếp thu giải trình một cách công phu song cũng cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng cải cách thủ tục hành chính giảm bớt sự can thiếp cuả nhà nước vào đầu tư kinh doanh.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba phân tích làm rõ, liên quan đến quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề, môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, tại Điều 68 và Điều 69 quy định các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh bất động sản. Trong đó đưa ra một số yêu cầu và đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về chi tiết về chương trình khung, vấn đề tổ chức việc đào tạo hay thực hành nghề nghiệp.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng cần bỏ quy định này. Bởi Luật Đầu tư năm 2014 có quy định 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là đào tạo, bồi dưỡng đối với kiến thức về kinh doanh bất động sản và đào tạo, bồi dưỡng đối với lại việc vận hành, quản lý nhà chung cư. Tuy nhiên quá trình thực tiễn áp dụng và khi sửa Luật Đầu tư năm 2020 đã bỏ hai ngành nghề này và không coi là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nữa. Nên nếu lại luật này lại tiếp tục quy định thì cần đánh giá kỹ về mặt thực tiễn và phải xử lý về mặt pháp lý là sửa Luật Đầu tư.
Cho ý kiến về vấn đề liên quan công chứng, chứng thực giao dịch bất động sản, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết, dự thảo Chính phủ trình không thay đổi cách tiếp cận liên quan đến những giao dịch nào về bất động sản phải công chứng thực. Tuy nhiên, khi chỉnh lý, phát sinh vấn đề về đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi chỉ điều chỉnh những giao dịch có tính chất kinh doanh mà không điều chỉnh những giao dịch không có tính chất kinh doanh.
Đối với những giao dịch về bất động sản của tổ chức, cá nhân mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở và các luật hiện nay thì theo quy định hiện hành phải công chứng thực nhưng theo dự thảo Luật thì không phải công chứng, chứng thực. Hay dự thảo đã bãi bỏ, bỏ đi một số những trường hợp, những giao dịch về kinh doanh bất động sản mà theo quy định hiện hành phải công chứng, chứng thực. Những nội dung này lại chưa hề có đánh giá tác động, lý do được đưa ra cho việc quy định này cũng không thuyết phục.
Đại biểu cho rằng đây điều chỉnh về mặt nội dung dẫn đến sự thay đổi về loại giao dịch phải công chứng, chứng thực. Do đó, đề xuất phương án thay đổi như nào và đưa vào luật nào hay là bỏ thì cũng phải có giải trình thuyết phục.
9h09: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần quy định hợp lý hơn về mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản
Qua nghiên cứu dự thảo và hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đóng góp một số ý kiến về mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản.
Theo đại biểu, khoản 8, Điều 3 của dự thảo luật quy định, hợp đồng kinh doanh bất động sản là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức kinh doanh bất động sản có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật này với tổ chức, cá nhân để mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, mục 1 Chương 6 của dự thảo luật cũng có quy định về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản, áp dụng hợp đồng kinh doanh bất động sản. Đại biểu cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Cùng với đó, Điều 385 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Từ những quy định trên, đại biểu cho rằng, các nguyên tắc về tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong dân sự, cụ thể là hợp đồng, được pháp luật tôn trọng, đảm bảo, chỉ cần không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc bỏ quy định về mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản trong toàn bộ dự thảo luật để tạo sự thuận lợi, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch. Nếu cần thiết thì chỉ quy định loại hợp đồng cho các bên có thể áp dụng.
Ngoài ra, về công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản, đại biểu cho rằng, trong thực tiễn các hợp đồng kinh doanh bất động sản thường có giá trị lớn, liên quan đến quyền, lợi ích của các bên, dễ xảy ra tranh chấp, do đó, cần có một bên xác thực để đảm bảo an toàn pháp lý, tránh rủi ro phát sinh.
9h16: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ đồng tình và đánh giá cao đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh sửa dự án Luật ngay sau khi Kỳ họp thứ 5. Đặc biệt, những nội dung các vị đại biểu Quốc hội quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau và những vấn đề lớn đã được tiếp nghiêm túc, giải trình rõ ràng, có tính thuyết phục cao.
09h20: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Đề nghị Ban soạn thảo nên quy định mức tối thiểu đặt cọc từ 5%-10%
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhất trí với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), và góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 6 Điều 23.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đã phân tích và với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Kinh tế về nội dung này.
Tuy nhiên đại biểu còn băn khoăn về quy định mức đặt cọc. Do đó đề nghị Ban soạn thảo nên quy định mức tối thiểu đặt cọc từ 5%-10%. Nếu số tiền đặt cọc quá thấp thì khách hành sẽ dễ dàng bỏ cọc nêu không có nhu cầu nữa, thực tế điều này đã xảy ra. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Về hợp đồng trong kinh doanh bất động sản tại Điều 43, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc để xem xét bổ sung quy định về hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại với lý do là để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 4, Điều 3 của Luật Nhà ở (năm 2014) và Khoản 4, Điều 2 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tuy nhiên, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản mới chỉ quy định là hợp đồng kinh doanh đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở chung cư. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc để xem xét bổ sung quy định về hợp đồng mua bán, cho thuê đối với nhà ở thương mại để đảm bảo phù hợp với quy định.
9h27: Nghỉ giải lao (20 phút)
9h48: Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cân nhắc nội dung về phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao công tác chuẩn bị đối với dự án Luật này, nhiều nội dung đã được tiếp thu chỉnh lý…
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, cần cân nhắc thật thận trọng đối với quy định tại Khoản 7, Điều 30 của dự thảo Luật này, cụ thể là quy định điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở là không nằm trong khu vực đô thị loại I, đô thị loại II và đô thị loại III, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt; không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai; Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/500 và điều kiện cụ thể để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Theo đại biểu Thịnh nội dung này chỉ quy định hình thức, không nên quy định cụ thể như dự thảo Luật, nội dung này nên quy định chi tiết ở Luật khác.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở, bất động sản, đại biểu Thịnh nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, bởi Nhà nước muốn quản lý được thị trường bất động sản thì phải có cơ sở dữ liệu. Do vậy, quy định về nội dung này cần thiết phải hoàn thiện cho bằng được sau khi Luật này được ban hành.
9h57: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần nghiên cứu quy định về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đánh giá cao cơ quan soạn thảo trong thời gian ngắn đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật. Tham gia ý kiến về dự án luật, đại biểu cho rằng, cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Đại biểu cho rằng, chưa thể yên tâm với tình thế hiện tại, khi bất động sản có giá trị kinh tế lớn, chúng ta có một thời gian dài mua bán bất động sản một cách thuận tiện, dễ dàng, nhưng cũng rất lộn xộn, và khi có sự cố xảy ra thì người dân, nhà nước dễ chịu thiệt thòi. Kinh doanh bất động sản đã trở thành một nghề dễ làm, dễ phất lên, với những mánh lới luồn lách.
Vì vậy, để lành mạnh hóa thị trường này, đại biểu cho rằng việc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết, để đảm bảo chính thức, nghiêm túc, tin cậy và tuân thủ pháp luật. Đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có những quy định hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
10h01: Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Quy định rõ thông tin về dự án bất động sản.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá cao sự nỗ lực của Ủy ban Kinh tế trong việc tổ chức các hội thảo và lắng nghe tiếp thu ý kiến góp ý từ các chuyên gia và các vị đại biểu Quốc hội.
Đại biểu quan tâm đến việc minh bạch thông tin về dự án bất động sản để bảo vệ quyền lợi của người mua, nhất là những người mua là cá nhân trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ, cụ thể hơn để người có nhu cầu mua biết, ví dụ công khai thông tin tại trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng; hoặc trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng các tỉnh thành phố giúp công dân dễ dàng tìm kiếm hơn so với các quy định hiện nay.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu về nhà ở và dự án bất động sản rất quan trọng vì vậy trong dự thảo cũng cần xác định trách nhiệm của các địa phương, cũng như việc bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phối hợp để công khai thông tin dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc; trách nhiệm chia sẻ thông tin và và dễ dang truy cập, tra cứu thông tin để người dân tìm hiểu.
Về điều kiện đối với các tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9), đại biểu đề xuất chọn phương án 2, phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho các tổ chức cá nhân khi bán cho thuê, cho thuê mua nhà ở công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, có mục đích kinh doanh không phải thành lập doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ giúp các hộ gia đình cá nhân thuận lợi hơn trong việc cho thuê nhà.
Các cá nhân nếu muốn thành lập doanh nghiệp vẫn có thể thành lập doanh nghiệp nhưng có thể chọn phương án không thành lập doanh nghiệp nhưng đóng thuế đầy đủ.
Ngoài ra, đại biểu thống nhất với quy định tại Điều 23 về phương án 1 về thời điểm thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất…
10h06: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần đánh giá tổng thể về việc bên thứ ba làm trung gian trong các hợp đồng giao dịch bất động sản
Góp ý về vấn đề công chứng, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, theo quy định của luật hiện hành, Luật Nhà ở và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản có nêu, đối với các hợp đồng giao dịch mà một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản thì không phải là công chứng. Trước đây, Chính phủ có dự kiến đưa ra sàn giao dịch.
Theo đại biểu, bản chất của sàn giao dịch là hình thức một bên trung gian đứng ra bảo đảm cho hợp đồng giao dịch bất động sản mà một bên là tổ chức nhằm đảm bảo an toàn pháp lý...
Đại biểu nêu rõ, khi một cá nhân tham gia hợp đồng giao dịch bất động sản thường ở thế yếu, tổ chức tham gia giao dịch thì có đầy đủ các công cụ pháp lý. Do đó, đại biểu đặt vấn đề có nên đặt niềm tin hoàn toàn vào tổ chức khi bán bất động sản cho cá nhân hay không? Có cần một bên trung gian để bảo đảm tính an toàn pháp lý cho giao dịch này hay không? Trên thực tế, đối với giao dịch giữa cá nhân với cá nhân có công chứng, tỉ lệ huỷ các hợp đồng giao dịch này là 0,01%.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần căn cứ vào tính chất của hợp đồng giao dịch. Đại biểu đề nghị cần phải đánh giá tổng thể, toàn diện về việc có bên thứ ba, trong đó có công chứng viên tham gia trung gian trong các hợp đồng giao dịch bất động sản.
10h11: Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Cần bảo lãnh cho tới khi Chủ đầu tư cấp giấy quyền sử dụng đất theo cam kết
Góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về Thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ nhất trí với các đại biểu cho rằng, nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 90% giá trị hợp đồng (dự thảo quy định 95%).
Theo đại biểu, việc này sẽ tăng cường trách nhiệm đối với việc hoàn tất thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về vấn đề Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ đồng tình với quy định: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) chấp thuận cấp bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở.
Đại biểu đề nghị cần bảo lãnh trong trường hợp chủ đầu tư không giấy quyền sử dụng đất theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
10h16: Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Công chứng hợp đồng giao dịch giúp đảm bảo quyền lợi của các bên
Tham gia thảo luận tại phiên họp về dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ quan tâm đến nội dung về công chứng hợp đồng giao dịch trong kinh doanh bất động sản. Theo đại biểu, trong giao dịch kinh doanh bất động sản, vai trò của công chứng là rất quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi của các bên.
Theo đại biểu, vai trò của công chứng không chỉ là chứng kiến giao dịch diễn ra, mà còn bảo vệ quyền lợi của người mua cũng như người bán đúng theo quy định của pháp luật. Thực tế, bất động sản thường là tài sản lớn, là thành quả một đời lao động, chính vì thế, các quy định ràng buộc ở trong hợp đồng giao dịch cần phải có những người am hiểu quy định pháp luật tham gia ý kiến, để khi có tranh chấp xảy ra, hoặc khi một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách rõ ràng, minh bạch.
Trong thực tế, qua các cuộc làm việc với các chuyên gia, các tổ chức có liên quan, đại biểu cho rằng, các tài liệu, hợp đồng, hồ sơ mua bán của các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra thường có dung lượng rất lớn và nội dung phức tạp, người dân bình thường khó hiểu hết được nghĩa vụ, quyền lợi của mình, dẫn đến thiệt thòi khi có tranh chấp xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần làm rõ vai trò của công chứng trong hợp đồng giao dịch bất động sản.
10h18: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận
Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách tâm huyết, trách nhiệm, qua tổng hợp cho thấy các ý kiến tập trung vào 8 nhóm vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian tới cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình tại Kỳ họp thứ 6 với chất lượng tốt nhất.
Về mối quan hệ luật kinh doanh bất động sản với luật khác, cơ quan sẽ tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất của Luật này và luật có liên quan.
Về điều kiện tổ chức, các nhân kinh doanh bất động sản: Luật đã khoanh phạm vi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 1 và loại trừ 5 trường hợp; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm nhằm mục đích kinh doanh và không nhằm mục đích kinh doanh để bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng áp dụng.
Về bảo lãnh, các đại biểu đồng tình với phương án cần thiết quy định về bảo lãnh để bảo đảm trách nhiệm của các bên liên quan, các cơ quan thống nhất theo hướng cho phép có quyền lựa chọn bảo lãnh.
Về đặt cọc, các đại biểu đều cơ quan nhất trí với sự cần thiết quy định về đặt cọc. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thêm quan điểm sửa luật để quy định thống nhất mức tiền đặt cọc không được quá cao để không biến đặt cọc thành huy động vốn; nhưng cũng không được quá thấp. Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định ở mức đặt cọc hợp lý.
Về chuyển nhượng dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết quy định của dự thảo nhằm ràng buộc trách nhiệm của bên nhận chuyển nhượng có cam kết, kí quỹ bảo lãnh để cam kết thực hiện dự án.
Về công chứng và chứng thực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh là cần thiết có quy định về công chứng, chứng thực để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong giao dịch. Tuy nhiên, do đối tượng là cá nhân không thuộc của đối tượng điều chỉnh của Luật nên dự thảo quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực đối với một số giao dịch. Qua thảo luận của các đại biểu cho thấy, nếu quy định theo hướng này sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý. Tiếp thu ý kiến đại biểu Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để cùng Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp rà soát để có hướng quy định.
Về sàn giao dịch bất động sản là nội dung cũng nhận được sự ủng hộ của các đại biểu. Đồng thời đề nghị cần có những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng hoạt động của sàn. Về việc lộ trình giao dịch qua sàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết nếu các sàn hoạt động tốt thì “hữu xạ tự nhiên hương” khi đó sẽ thu hút được các bên giao dịch. Do đó dự thảo Luật không quy định cứng về lộ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu các ý kiến của đại biểu, các ý kiến không tiếp thu cũng sẽ có giải trình thỏa đáng, bảo đảm chất lượng dự án Luật.
10h31: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu đã nhất trí với nhiều nội dung, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm quản lý của nhà nước, tính tương thích, đồng bộ với các luật khác, khái niệm, nguyên tắc, chủ thể kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản, giao dịch bất động sản qua sàn, hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo và hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
10h34: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình làm việc, Hội nghị cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thời gian còn lại của buổi sáng và chiều ngày 29/8.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
10h35: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề cập đến một số nội dung chủ yếu sau.
Thứ nhất, nhóm vấn đề về chính sách của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Đầu tư.
Về tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại (khoản 4 Điều 36) còn có 02 loại ý kiến:
Đa số ý kiến đề nghị giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại như Luật Nhà ở hiện hành (có quyền sử dụng đất ở, có quyền sử dụng đất ở và đất khác, nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua thỏa thuận) để phòng, chống sơ hở, thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép các loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại.
Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 về việc bổ sung 02 loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, đa số ý kiến UBTVQH tán thành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật theo hướng kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành.
Về nội dung liên quan đến Luật Đầu tư, qua nghiên cứu, UBTVQH nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật theo hướng: để tránh xung đột pháp luật giữa các luật khác nhau, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cần chỉnh lý khoản 4 Điều 35 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để kết nối các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở giữa 03 luật Đầu tư, Xây dựng, Nhà ở, lược bỏ nội dung trùng lặp về thủ tục đầu tư như đã nêu ở trên và mở rộng quyền lựa chọn hình thức đầu tư (ủy quyền hoặc thành lập doanh nghiệp) của nhà đầu tư như thể hiện trong dự thảo Luật.
Thứ hai, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý các điều 68, 69 và 70 của dự thảo Luật theo hướng: đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ; đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt. Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.
Thứ ba, về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 78), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, vấn đề này còn có 02 loại ý kiến như sau:
- Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.
- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Thứ tư, về đất để xây dựng nhà ở xã hội (Điều 81), Thường trực Ủy ban Pháp luật xin báo cáo và đề xuất 02 phương án. Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, UBTVQH nhất trí với Phương án 1 như đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật.
Thứ năm, về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp.
10h52: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức các cuộc làm việc, giám sát, khảo sát thực tế tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 (ngày 25/8/2023) và được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm, các vấn đề còn ý kiến khác nhau, các vấn đề các đại biểu quan tâm.
10h56: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Cân nhắc quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung của sự thảo Luật và đánh giá cao các nội dung tiếp thu, chỉnh lý mà cơ quan thẩm tra trình bày…
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam cho biết, Khoản 2, Điều 35 của dự thảo Luật này đang quy định đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện: có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án; có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này hoặc được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, quy định như vậy là không cần thiết, có thể gây chồng lấn. Do vậy, đề nghị cần xem xét loại bỏ quy định này trong dự thảo Luật Luật Nhà ở (sửa đổi). Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề nghị cần rà soát đối với quy định tại Khoản 1 Điều 35 và Khoản 1 Điều 58…
11h00: Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Chỉ bắt buộc chủ đầu tư phải xây nhà tại khu vực trung tâm, điểm nhấn của đô thị
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thành Nam đánh giá cao tinh thần tiếp thu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm đã được tiếp thu.
Góp ý đối với quy định về yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, đại biểu chỉ rõ, khoản 5 Điều 5 quy định “Tại các đô thị loại I, loại II và loại III, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.”. Đại biểu cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp, khó có tính khả thi trong thực tế và gây khó khăn cho nhà đầu tư, người dân khi mua nhà ở các khu đô thị...
Theo đại biểu, trên thực tế, người dân tại các tỉnh trung du, miền núi thường muốn sử dụng đất để tự xây nhà trên đất và thiết kế kiến trúc phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen sinh sống và sinh hoạt của gia đình, cá nhân, kể cả nông thôn hay đô thị loại II, loại III. Do đó, nếu quy định như trên sẽ không thực hiện được ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư phải xây nhà trên đất sẽ làm tăng chi phí cho chủ đầu tư nên giá nhà sẽ tăng cao khi đến tay người dân. Sau đó, người dân vẫn phải tiếp tục bỏ ra một khoản chi phí lớn để hoàn thiện lại nhà, cải tạo một bộ phận hoặc nhiều bộ phận của ngôi nhà, khi đó, giá trị sẽ quá cao so với thu nhập và nhu cầu của người dân.
11h04: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại
Phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ tán thành và đánh giá cao việc ưu đãi với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đại biểu cho rằng, điều này sẽ góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Quan tâm tới Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị sửa đổi, bổ sung khái niệm này theo hướng: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở là cơ quan, tổ chức được lựa chọn hoặc công nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng.
Về nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng mô hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều hộ kinh doanh nhưng thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, không đảm bảo an toàn về PCCC, hạ tầng kỹ thuật… đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để quản lý.
11h11: Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Xây dựng chính sách phát triển nhà ở cần xác định nhà là để ở, không phải để đầu cơ
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đánh giá cao công tác chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho biết thực tế việc phát triển nhà ở còn hướng đến quyền sở hữu nhà ở dưới góc độ là tài sản hơn là vai trò mấu chốt của nhà là để ở. Đại biểu đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai. Từ đó, cần có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu. Hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần và theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu. Miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2 đến 3 lần so với lúc mua.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp, có chỗ ở không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội; cũng như nhà ở xã hội không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức.
Trước những thách thức đối với thị trường nhà ở trong thời gian tới về di cư từ nông thôn ra thành thị và già hóa dân số, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và trong Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỉ lệ di cư dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ đó xác định sẽ dựng xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp.
Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành với quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động tham gia phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân. Đồng thời, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội. Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua.
Góp ý về tỷ lệ quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị nghiên cứu quy định trách nhiệm các chủ đầu tư dưới hình thức phí phát triển và được thu một lần.
Về cải tạo nhà chung cư cũ, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành với quyt định của dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định về quyền tự quyết của các chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở như quyền chuyển nhượng, cho thuê các khu đất sử dụng chung, bán căn hộ cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện việc khai thác khu đất có hiệu quả, tối đa hóa giá trị đất đai hoặc quy đổi giá trị sử dụng đất thành cổ phần góp vốn với cơ chế phân chia lại lợi nhuận cho các chủ sở hữu nhà bị phá dỡ, cũng như có các giải pháp chưng mua với thiểu số hộ gia đình không đồng ý và cơ chế bồi thường bổ sung nếu có lợi nhuận tăng thêm cho người bị chưng mua.
Đại biểu cũngng đề nghị cần có giải pháp hợp lý, hài hòa và vì mục tiêu phát triển chung nhằm đáp ứng yêu cầu tái thiết chỉnh trang đô thị, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trong thời gian sớm nhất.
11h18: Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú cho công nhân
Góp ý về Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị dự thảo chỉ quy định việc lập Chương trình kế hoạch áp dụng các loại hình nhà ở sử dụng ngân sách nhà nước và các hình thức hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, những người có công, hộ nghèo và người dân ở khu vực vùng cao có hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu cho rằng, việc đặt ra các quy định về khống chế số lượng diện tích sàn nhà hoàn thành cho các thời kỳ một mặt không có tính khả thi do nhà nước không dành nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở, mà phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực của doanh nghiệp và người dân; một mặt gây nên tình trạng can thiệp hành chính vào thị trường bất động sản có tính chất ấn định số lượng khối lượng hàng hóa được sản xuất tiêu thụ là hành vi đã bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quy hoạch.
Về phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 92, đại biểu đề nghị bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết, đại beieur đề nghị không quy định loại giá này phải có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở địa phương; đồng thời không xác định đây là một loại hình nhà ở xã hội, mà chỉ là hình thức nhà lưu trú công nhân.
Về quản lý và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật của các dự án phát triển nhà ở tại Điều 155 156 quy định về việc quản lý bàn giao tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật nhà chung cư, đại biểu đề nghị tiếp tục bổ sung nội dung quy định cụ thể về việc quản lý bàn giao tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật của các dự án phát triển nhà ở khác như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; quy định cụ thể về cơ quan nhận bàn giao, thời điểm nhận bàn giao là kết thúc dự án hay hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phương án quản lý hành chính trước trong và sau khi bàn giao.
11h21: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều nay, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).