TẬP TRUNG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2023, NĂM 2024 THUỘC LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

06/09/2023

Tiếp tục Chương trình Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV, chiều 6/9, tại Hội trường Diên Hồng, đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023, năm 2024 thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách. Theo đó, đề nghị bổ sung 2 dự án Nghị quyết và 4 dự án luật thuế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, đẩy nhanh tiến độ trình dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp một cách phù hợp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/9: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 06/9: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

Toàn cảnh Hội nghị

Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15

Phát biểu tại Hội nghị, về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, Ủy ban được phân công theo dõi, đôn đốc triển khai 12 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát luật làm cơ sở xác định các nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khoá XV, gồm 09 luật thuế và 03 luật về quản lý TCNS. Đến nay, các cơ quan liên quan của Chính phủ đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát 12 văn bản luật nêu trên và đã đề xuất việc sửa đổi đối với 08 dự án Luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, 03 dự án đề xuất chuyển sang nhiệm kỳ Quốc hội khoá XVI (trong đó có Luật NSNN và 02 dự án Luật thuế) và 01 dự án đề nghị không sửa đổi (Luật Quản lý thuế).   

Về kết quả xây dựng pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi nêu rõ, cho đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành 1/12 nhiệm vụ lập pháp được giao (Luật Giá), ngoài ra, Ủy ban TCNS đã hoàn thành một số nhiệm vụ lập pháp không thuộc Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 như: Luật Đấu thầu và 15 dự án Luật/Nghị quyết có nội dung về thuế.

Đối với 11/12 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, hiện chưa có hồ sơ dự án nào được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các năm 2022, 2023 và năm 2024.

Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi cũng chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ được giao nhiệm vụ đề xuất dự án luật, Thường trực Uỷ ban TCNS nhận thấy: 

- Tất cả 15 dự án Luật/Nghị quyết có nội dung về thuế mà Quốc hội đã thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay đều được trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian rất ngắn trước kỳ họp và được thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban TCNS luôn trong tình trạng bị động và không có thời gian nghiên cứu trước khi thực hiện công tác thẩm tra.

- Về tiến độ, kế hoạch dự kiến đối với các dự án luật thuế, đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, thời gian dự kiến trình hồ sơ các dự án luật đã liên tục được lùi lại qua các lần báo cáo, đặc biệt đối với các dự án luật quan trọng, có nhiều vấn đề cần được sửa đổi như Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp.

Trên thực tế không có dự án Luật thuế nào được trình Quốc hội theo kế hoạch từ đầu nhiệm kỳ cho đến hết năm 2023. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng dự án luật của Chính phủ dự kiến sẽ tập trung trình các dự án luật thuế vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cụ thể 06 dự án luật thuế sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong 3 năm 2024 - 2026. Như vậy, mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua đối với 02 dự án Luật thuế, đặc biệt tại kỳ họp tháng 10/2024, Cơ quan xây dựng dự án luật dự kiến trình Quốc hội 4 dự án Luật về thuế (02 dự án trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và 02 dự án trình Quốc hội thông qua).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc dự kiến dồn quá nhiều dự án luật vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng, thẩm tra và chất lượng các dự án luật cũng như tính thực tiễn, khả thi của kế hoạch được đề xuất. Việc các dự án luật không được các cơ quan liên quan của Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (CTXDLPL) chính thức hàng năm và chỉ được trình bổ sung vào CTXDLPL tại một thời điểm bất kỳ làm cho các cơ quan của Quốc hội luôn trong tình trạng bị động, không có cơ sở đôn đốc và triển khai nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra từ sớm, từ xa.

- Về việc xây dựng văn bản pháp luật thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (liên quan đến Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, yêu cầu phải thực hiện các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu đã được các Cơ quan liên quan của Chính phủ đề cập đến trong báo cáo rà soát về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ tháng 8/2022; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong suốt thời gian qua đã nhiều lần đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội sớm nội luật hoá các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm cơ sở áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024.

Hiện Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 hai dự án Nghị quyết thí điểm để thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu theo trình tự, thủ tục rút gọn (Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao). Các nội dung thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu cần được xem xét một cách tổng thể gắn liền với việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN để có phương án chính sách thích hợp cho mọi doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước, các nhà đầu tư hiện hành cũng như các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, các cơ quan của Chính phủ đang đề xuất lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Thuế TNDN từ kỳ họp tháng 5/2024 sang kỳ họp tháng 10/2024. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban TCNS cho rằng, các cơ quan liên quan của Chính phủ cần khẩn trương tập trung xây dựng dự án sửa Luật Thuế TNDN, đặc biệt là nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN trong bối cảnh thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp ưu tiên cần hoàn thành trong năm 2024.

- Về việc Chính phủ đề xuất không sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị cần tiếp tục rà soát, tổng kết việc thi hành Luật Quản lý thuế một cách toàn diện và thực chất hơn, xác định các vướng mắc, tồn tại và đề xuất phương án xử lý, ít nhất là đối với những nội dung đã rõ, cấp bách để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Việc Chính phủ dự kiến lùi thời hạn trình dự án Luật NSNN sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI là chưa phù hợp với Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nội dung này cũng sẽ liên quan trực tiếp  đến Luật NSNN trong việc nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; Nhu cầu và sự cần thiết sửa luật NSNN trong thời gian qua đã được các cơ quan liên quan của Chính phủ và Quốc hội nhiều lần khẳng định. Thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (2023-2025) hoàn toàn có thể đáp ứng cho việc chuẩn bị hồ sơ dự án sửa đổi Luật NSNN theo quy định.

Đề xuất, kiến nghị về triển khai CTXDLPL các tháng cuối năm 2023 và năm 2024

Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 về CTXDLPL năm 2024, điều chỉnh CTXDLPL năm 2023, trong lĩnh vực TCNS hiện không có nhiệm vụ nào trong Chương trình. Tuy nhiên, các cơ quan được giao nhiệm vụ đề xuất dự án luật của Chính phủ dự kiến tất cả các dự án luật, nghị quyết trong các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 trong lĩnh vực tài chính ngân sách đều sẽ được trình hồ sơ dưới hình thức bổ sung vào CTXDPL của năm 2023 và 2024, cụ thể:

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ nhất, bổ sung CTXDLPL năm 2023: 02 dự án Nghị quyết liên quan đến việc thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu (dự kiến trình UBTVQH trước ngày 5/8/2023) và dự án Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) - nếu kịp.

Thứ hai, 04 dự án Luật Thuế TTĐB, GTGT, TNDN, Thuế bất động sản sẽ được trình bổ sung vào CTXDLPL năm 2024. Hiện Chính phủ không đề cập cụ thể về thời gian gửi hồ sơ đề nghị bổ sung vào CTXDLPL năm 2024. Vì vậy, về cơ bản Thường trực Uỷ ban TCNS không có thông tin chính xác về nội dung và kế hoạch CTXDLPL năm 2024 trong lĩnh vực TCNS để phối hợp triển khai. Trong bối cảnh này, Thường trực Uỷ ban TCNS kiến nghị một số nội dung sau:

-  Để bảo đảm sự rõ ràng về kế hoạch xây dựng pháp luật, tiến độ thực hiện và sự chủ động cho các cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ trong thời gian trước mắt và các tháng cuối năm 2023, chính thức trình UBTVQH các hồ sơ dự án luật đề nghị bổ sung vào CTXDLPL năm 2023/2024 và đẩy nhanh tiến độ trình dự án Luật Thuế TNDN một cách phù hợp (trong đó có nội dung hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi thuế TNDN trong bối cảnh thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu).

- Trong trường hợp có nhiều dự án luật thuộc lĩnh vực thuế được trình trong cùng một kỳ họp, đề nghị các Cơ quan được giao nhiệm vụ đề xuất dự án Luật bảo đảm thời hạn trình theo đúng quy định để các cơ quan của Quốc hội có đủ thời gian cần thiết cho công tác thẩm tra, đặc biệt là đối với những vấn đề mới và phức tạp. Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi và chất lượng các nội dung thẩm tra của nhiều dự án luật trong cùng một thời điểm, đề nghị cho phép các cơ quan liên quan của Quốc hội được từ chối thẩm tra nếu cơ quan trình hồ sơ không bảo đảm thời gian theo quy định.

Đối với các dự án luật trong lĩnh vực TCNS dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025, đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ trình hồ sơ đề nghị đưa vào CTXDLPL năm 2025 đúng thời hạn; không trình dưới hình thức bổ sung để bảo đảm sự rõ ràng về kế hoạch triển khai các nhiệm vụ lập pháp và tạo điều kiện cho các cơ quan của Quốc hội có cơ sở theo dõi, đôn đốc và phối hợp thẩm tra từ sớm, từ xa./.

Bích Ngọc