CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ HIỆN THỰC HÓA CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH

06/09/2023

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, đóng góp ý kiến vào việc phục hồi kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần có nhiều giải pháp để hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh; đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của Nhà nước để tạo đà cho các hoạt động đầu tư của khối kinh tế tư nhân cùng chuyển động.

Chia sẻ quan điểm về mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Đức Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ, Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đưa ra mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng... Đối với chính sách đầu tư phát triển, Nghị quyết quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm (2022 và 2023).

Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế lại gặp một số điểm vướng mắc. Chẳng hạn, khoản chi cho đầu tư phát triển nhằm tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, nhưng thực tế, tốc độ giải ngân đạt rất thấp. Bên cạnh nguyên nhân do đại dịch Covid-19, nguyên nhân khác khiến các dự án chậm tiến độ là do vướng mắc trong thủ tục hành chính, luật pháp và một số quy định chồng chéo hiện nay. Cùng với đó, hiện nay nguồn vốn chủ yếu tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề truyền thống, chưa có những chính sách, ưu đãi hay các gói hỗ trợ cụ thể dành cho các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, hay những doanh nghiệp dám chấp nhận rủi ro, ứng dụng các công nghệ mới. Các cơ chế pháp lý vẫn chưa được xây dựng cụ thể để phân loại các dự án xanh, giảm phát thải, bền vững, chuyển đổi số.

Nhiều hội thảo, tọa đàm về phát triển bền vững, kinh tế xanh đã được tổ chức

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, hiện nay, ông Nguyễn Đức Trung, Ngân hàng Citibank Việt Nam cho biết, nước ta chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ đào tạo người lao động trong các ngành nghề cần thiết cho tương lai, chẳng hạn đào tạo tri thức, kỹ năng trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, hay ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa nguồn lực trong sản xuất và kinh doanh. Các chuyên gia nhận định, hiện chưa có nghiên cứu, điều tra nào từ phía các cơ quan chức năng tìm hiểu nhu cầu học tập, lao động ở các ngành nghề mới trong các lĩnh vực, như: phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, hay ứng dụng các công nghệ, để có sự đào tạo, nâng cao năng lực của người lao động ở các ngành nghề này.

Đề ra một số giải pháp cho vấn đề này, các chuyên gia phân tích, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Chiến lược đặt ra nhiều mục tiêu trọng yếu, trong đó có mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số' và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế' cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 là tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1,0%- 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15%-20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đến năm 2050, Chiến lược đặt mục tiêu tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1,0%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25%-30%; phân đấu kinh tế số đạt 50% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%-43%; ít nhất 60% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Để phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh, bên cạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, Chính phủ cần chú trọng truyền thông, giáo dục, thay đổi và nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người dân về nội dung, tầm quan trọng, vai trò của kinh tế xanh trong cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, ưu đãi cho đầu tư vào tăng trưởng xanh, để tạo ra sự thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển nền kinh tế xanh.

Tận dụng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức trong việc khắc phục các trở ngại đang gặp phải, như: chuyển giao công nghệ, tránh tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây ra những tổn thất lớn. Với cộng đồng doanh nghiệp, điều cần nhất là môi trường thể chế phải tiếp tục được cải thiện theo hướng thông thoáng, thuận lợi.

Các chuyên gia cho rằng, hơn 2 năm qua, chứng kiến sự chuyển biến của nền kinh tế quốc tế và Việt Nam đã cho thấy, xu hướng phát triển kinh tế hậu đại dịch là phát triển nền kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững.

Theo đó, các chuyên gia kiến nghị một số giải pháp để nền kinh tế Việt Nam vận hành theo xu hướng này như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của Nhà nước để tạo đà cho các hoạt động đầu tư của khối kinh tế tư nhân cùng chuyển động. Cùng với đó, cần thể chế hóa các tiêu chí phân loại dự án xanh, giảm phát thải, chuyển đổi số để định hướng cho các nguồn lực đầu tư chọn lựa theo những tiêu chí mới này. Đặc biệt, Chính phủ cần thể chế hóa các loại hình đào tạo nhân lực phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Thứ hai, chính sách tài khóa (thông qua chính sách thuế) và chính sách tiền tệ (thông qua công cụ lãi suất) cần tập trung hỗ trợ cho các dự án xanh, giảm phát thải; các dự án có hàm lượng công nghệ, chuyển đổi số cao, để khuyến khích nền kinh tế chuyển động theo xu hướng toàn cầu.

Thứ ba, trong bối cảnh nền kinh tế đã dần lấy lại đà tăng trưởng cao, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của nền kinh tế, thông qua việc phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, với các nhà nghiên cứu, chuyên gia tại trường đại học và hỗ trợ các sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao đến được với người tiêu dùng trong nước, quốc tế.

Thứ tư, Chính phủ cần nhìn nhận và xử lý đúng đắn vấn đề nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ phương diện quản trị địa phương, gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ; nâng cao chất lượng thể chế địa phương trong kiến tạo, chuyển hóa, tái tạo, giải phóng tối đa các nguồn lực, biến tiềm năng thành hiện thực, biến thách thức thành cơ hội phát triển.

Thứ năm, với cộng đồng doanh nghiệp, cần đẩy mạnh quá trình thu hút tri thức tiên tiến, phát triển đội ngũ chuyên gia và người sử dụng công nghệ thông tin chuyên nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho đại đa số người lao động, để thay đổi thói quen làm việc đã cũ, chuyển sang làm việc trên môi trường số. Khi các doanh nghiệp Việt Nam trở nên năng động hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ không chỉ giúp nền kinh tế tăng tính hiệu quả, mà còn tạo động lực thu hút thêm các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, góp sức phát triển nền kinh tế.

Hồ Hương