CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA SỚM CỦA TRẺ EM VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI
PHIÊN HỌP GIẢ ĐỊNH “QUỐC HỘI TRẺ EM” LẦN THỨ I – NĂM 2023 THẢO LUẬN VỀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG VÀ PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH, BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM
PHIÊN HỌP GIẢ ĐỊNH QUỐC HỘI TRẺ EM LẦN THỨ NHẤT: LẮNG NGHE, GIẢI QUYẾT NHỮNG NGUYỆN VỌNG, KIẾN NGHỊ CỦA TRẺ EM CẢ NƯỚC
Quang cảnh Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I.
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội tổ chức. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Theo đó, phiên họp được diễn ra với 2 phiên bao gồm, phiên thảo luận tổ diễn ra vào ngày 9/9 và phiên toàn thể diễn ra vào ngày 10/9.
Tại Phiên họp giả định toàn thể, đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 02 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đại biểu trẻ em Phạm Nguyễn An Chi - Đại biểu trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc
Chia sẻ cảm xúc khi được trực tiếp tham gia Phiên họp giả định với vai trò đại biểu trẻ em, em Phạm Nguyễn An Chi - Đại biểu trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đây là diễn đàn hết sức bổ ích, giúp các em được tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi về tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,... Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các em được biểu đạt, thể hiện quan điểm, chính kiến về các vấn đề trẻ em đang quan tâm.
Đại biểu trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc cũng bày tỏ kỳ vọng những đề xuất, kiến nghị của các em tại Phiên họp giả định lần thứ nhất, sẽ là cơ sở, căn cứ để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan, ban ngành địa phương quan tâm, nghiên cứu và từ đó sẽ ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hóa những vấn đề nhằm thực thi các chính sách về trẻ em một cách hiệu quả, phù hợp hơn với nguyện vọng của các em.
Em Hồ Ngọc Vân Thanh - Đại biểu trẻ em tỉnh Đồng Tháp
Cùng chung cảm nhận, em Hồ Ngọc Vân Thanh - Đại biểu trẻ em tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, được tham gia Phiên họp giả định là một vinh dự đối với bản thân. Thông qua các hoạt động của chương trình đặc biệt là tại phiên họp giả định, đã giúp em có thêm hiểu biết, kiến thức thực tế về hệ thống chính trị, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cách thức cũng như quy trình tổ chức một phiên họp Quốc hội – những vấn đề tưởng chừng rất xa lạ với trẻ em.
Cũng theo em Hồ Ngọc Vân, việc tham gia chương trình Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em còn giúp khơi dậy, nuôi dưỡng ước mơ để được trở thành một người đại biểu dân cử trong em. Xúc động trước sự quan tâm, động viên trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan, bộ ngành đối với thế hệ tương lai của đất nước, em Hồ Ngọc Vân cho biết, sau phiên họp em sẽ chia sẻ, lan tỏa thông tin tại Phiên họp và những kiến thức thu thập được tới các bạn.
Em Ngô Thị Kim Cương - Đại biểu trẻ em tỉnh Tây Ninh
Trực tiếp tham gia thảo luận tại Phiên họp giả định với vai trò là đại biểu trẻ em đại diện cho tỉnh Tây Ninh, em Ngô Thị Kim Cương bày tỏ mong muốn Phiên họp giả định sẽ được tổ chức một cách định kỳ, thường xuyên để các em được tiếp tục tìm hiểu, tham gia sớm hơn vào quá trình hoạch định, ban hành chính sách.
Cho rằng chủ đề được lựa chọn thảo luận tại Phiên họp giả định lần này là những vấn đề liên quan sát sườn, ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em, em Ngô Thị Kim Cương tin tưởng, kết quả tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em sẽ được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tham khảo trong quá trình ban hành chính sách để khắc phục những vấn đề bất cập liên quan đến phòng chống tai nại thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như vấn đề xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh cho trẻ em.
Nhân dịp này, em Ngô Thị Kim Cương cũng kiến nghị, đề xuất Bộ Giáo dục cần tăng thời lượng dạy và học môn tin học, ngoài những kiến thức về ứng dụng cơ bản như word, excel cần cho học sinh trang bị kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn học Giáo dục công dân cần có nội dung phòng chống xâm hại qua môi trường mạng. Đồng thời, tại trường học, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng, các hoạt động ngoại khóa cần thay đổi hiệu quả hơn, có nhiều hơn các chương trình về chủ đề an toàn trên không gian mạng; Sẵn sàng giải quyết các vấn đề, tư vấn các tâm tư tình cảm cá nhân trước độ tuổi dậy thì của trẻ em ở lứa tuổi THCS; Lắng nghe kĩ những vấn đề mà học sinh gặp phải để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất;…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trẻ em dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I.
Với kết quả của Phiên họp giả định, em Ngô Thị Kim Cương mong muốn tiếp tục có cơ hội được tham gia chương trình để thảo luận và kiến nghị về những vấn đề khác liên quan đến lứa tuổi và những vấn đề thiết thực đối với trẻ em. Đồng thời, kiến nghị mô hình “Quốc hội trẻ em” có thể duy trì thường xuyên và tổ chức định kỳ để nhiều đại biểu trẻ em khác có thể được tham gia, học hỏi kiến thức về Quốc hội, tìm hiểu hoạt động của các đại biểu Quốc hội, được thực hành làm “đại biểu dân cử”,…/.