KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM

14/09/2023

Sáng ngày 14/09, tiếp tục hoạt động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao tại thành phố Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI BẢO TÀNG HÀ NỘI 

KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI 

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang cho biết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập năm 1995, trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng nhằm giới thiệu, phổ biến, giáo dục về lịch sử, văn hóa của các dân tộc ở trong nước và nước ngoài; cung cấp tư liệu, luận cứ khoa học về các dân tộc cho các cơ quan quản lý nhà nước; tư vấn, cung cấp các dịch vụ và hoạt động bảo tàng; tham gia đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về bảo tàng học, nhân học, dân tộc học cho đất nước.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có 3 khu trưng bày: Tòa Trống đồng, Tòa Cánh diều và Vườn Kiến trúc. Đặc điểm nổi bật trong trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là giới thiệu sự đa dạng văn hóa của các dân tộc. Ngày 12/11/1997, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai trương trưng bày và bắt đầu phục vụ công chúng.

Về tài chính, ngoài ngân sách nhà nước, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn có nguồn thu sự nghiệp từ hoạt động bán vé vào cửa, dịch vụ, viện trợ, chương trình hợp tác và các nguồn khác.

Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang 

Trong giai đoạn 2013 - 2023, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã bám sát nhiệm vụ và chức năng được phê duyệt, triển khai nhiều hoạt động. Ngoài khu trưng bày thường xuyên giới thiệu 54 dân tộc ở Việt Nam trong tòa Trống đồng, khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng rộng khoảng 2ha có 10 công trình kiến trúc dân gian của những tộc người ở các vùng miền khác nhau. Với việc xây dựng thành công không gian trưng bày này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là bảo tàng đầu tiên ở nước ta có khu bảo tàng ngoài trời về văn hoá các dân tộc. Đây là điểm nhấn quan trọng đối với du khách khi đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Hai không gian trưng bày này bổ sung cho nhau như một thể thống nhất, cùng giới thiệu và tôn vinh văn hoá và cuộc sống rất đa dạng của các dân tộc ở Việt Nam.

Bên cạnh các trưng bày thường xuyên, cố định, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng thực hiện nhiều trưng bày nhất thời (chuyên đề). Đặc biệt, một trong những điểm nhấn - và cũng là thành tựu - nổi bật và được đánh giá cao trong hệ thống bảo tàng Việt Nam là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế để tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề và sự kiện liên quan. Thông qua các hợp tác này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước…

Bên cạnh trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng được đông đảo công chúng biết đến bởi các hoạt động sự kiện, giáo dục dựa vào/gắn với cộng đồng, đề cao tiếng nói của chủ thể văn hóa. Hàng năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức các sự kiện nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Bảo tàng, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu. Trong những dịp này, các chương trình đều hướng đến việc khuyến khích các địa phương và cộng đồng – chủ thể văn hóa cùng Bảo tàng tổ chức và tham gia thực hiện nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, giới thiệu văn hóa của một/một số dân tộc ở những địa phương cụ thể, chia sẻ và trao truyền tri thức giữa các nghệ nhân dân gian và công chúng, đặc biệt là công chúng nhỏ/trẻ tuổi qua các hoạt động giáo dục (làm/chơi trò chơi dân gian, làm đồ thủ công, chế biến món ăn dân tộc...)...

Các đại biểu tại buổi làm việc

Bảo tàng có đội ngũ chuyên gia đa dạng, chuyên sâu về Bảo tàng học, Dân tộc học, Nhân học, Văn hóa học. Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ luôn được chú trọng đặc biệt, từ tuyển dụng đầu vào đến quá trình sử dụng lao động đáp ứng các nhiệm vụ đa dạng và phức tạp của Bảo tàng; trong đó, Bảo tàng đặc biệt coi trọng năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, theo yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra, Bảo tàng cũng chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ…

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang cho biết, trong khoảng 28 năm hình thành và phát triển, mặc dù đã được đầu tư ban đầu khá lớn nhưng hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng lưu ý là những bất cập, xuống cấp của cơ sở vật chất/cơ sở hạ tầng và những thách thức về nguồn tài chính.

Trong thời gian tới, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mong muốn Nhà nước đầu tư đúng mức hơn nữa cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để Bảo tàng - phát triển tương xứng với một bảo tàng cấp quốc gia và hàng đầu ở Việt Nam, một bảo tàng đạt tầm hiện đại và tiên tiến ở châu Á. Đồng thời, đề nghị Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho phép Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoạt động như một cơ quan đặc thù ở Viện Hàn lâm…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  Phan Viết Lượng - Đoàn khảo sát phát biểu

Qua nghe ý kiến của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và các ý kiến trong Đoàn, Đoàn khảo sát cho rằng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là thiết chế văn hóa có diện tích lớn, vị trí đặc biệt, nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, có sự kết nối giao thông với các thiết chế văn hóa khác; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, chuyên gia của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng được chú trọng về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… Qua đó, góp phần khẳng định vị trí, thương hiệu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong và ngoài nước.

Đoàn khảo sát ghi nhận, trong những năm qua, hoạt động trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã bám sát tôn chỉ, mục đích, phục vụ tốt nhu cầu của các đối tượng khách tham quan đến nghiên cứu, tìm hiểu; đặc biệt trong điều kiện khó khăn, việc đảm bảo được nguồn thu ổn định là một sự cố gắng rất lớn. Để giải quyết được những khó khăn trong thời gian tới, Đoàn khảo sát cho rằng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cần nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể, chi tiết liên quan đến tổ chức bộ máy; có nghiên cứu lý luận, thực tiễn, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị…

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2023, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã bám sát nhiệm vụ và chức năng được phê duyệt, triển khai nhiều hoạt động...

Đoàn khảo sát cho rằng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là thiết chế văn hóa có diện tích lớn, vị trí đặc biệt, nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, có sự kết nối giao thông với các thiết chế văn hóa khác

 Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, chuyên gia của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng được chú trọng về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ…  

 Qua đó, góp phần khẳng định vị trí, thương hiệu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong và ngoài nước

Để giải quyết được những khó khăn trong thời gian tới, Đoàn khảo sát cho rằng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cần nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể, chi tiết liên quan đến tổ chức bộ máy; có nghiên cứu lý luận, thực tiễn, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị…

Thu Phương