TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI PHIÊN KHAI MẠC HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9
THÔNG ĐIỆP CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG GỬI TỚI HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9
TỔNG THƯ KÝ LIÊN MINH NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI MARTIN CHUNGONG: NGHỊ SĨ TRẺ ĐÓNG VAI TRÒ TIÊN PHONG THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
TỌA ĐÀM “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC SỐ CHO THANH NIÊN” – HOẠT ĐỘNG ĐẦU TIÊN TRONG KHUÔN KHỔ HỘI NGHỊ NGHỊ SỸ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên Khai mạc
Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ tập trung thảo luận làm rõ vấn đề thông qua 3 phiên thảo luận chuyên đề gồm: (1) Chuyển đổi số; (2) Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (3) Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hoá vì sự phát triển bền vững.
Tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 9 có hơn 300 nghị sĩ trẻ và đại biểu đến từ hơn 70 Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế; Các Đại sứ, đại diện cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam; 124 thành viên Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam; 20 thanh niên trẻ tiêu biểu của Việt Nam; 20 đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ cấp tỉnh của Việt Nam...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:
9h10: Bà Emma Muteka, Nghị sĩ Namibia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu giới thiệu
Bà Emma Muteka, Nghị sĩ Namibia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cùng bà Thái Quỳnh Mai Dung, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ của Quốc hội Việt Nam thực hiện vai trò dẫn chương trình Lễ khai mạc Hội nghị.
Bà Emma Muteka bày tỏ vui mừng và vinh dự chủ trì phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU lần thứ 9. Phiên khai mạc bắt đầu bằng nghi lễ chào cờ.
9h13: Bà Emma Muteka, Nghị sĩ Namibia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu
Gửi lời cảm ơn chân thành đến Quốc hội Việt Nam vì sự hiếu khách và đón tiếp nồng hậu, bà Emma Muteka cảm ơn IPU vì đã khuyến khích các nghị sĩ trẻ và giúp tổ chức hội nghị thường niên này, đây là một hội nghị rất quan trọng đối với Nghị sỹ trẻ toàn cầu.
9h14: Bà Thái Quỳnh Mai Dung, Đại biểu Quốc hội Việt Nam giới thiệu đại biểu tham dự Hội nghị
Gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến tất cả các vị đại biểu dự Phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức, bà Thái Quỳnh Mai Dung, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ của Quốc hội Việt Nam cho biết, nhân dịp Lễ khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước CHXCHN Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới thế hệ trẻ.
Tham dự phiên khai mạc, về phía đại biểu quốc tế có Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới; Ngài Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh; Bà Cynthia Lopez Castro, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU.
Về phía Việt Nam, có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Vương Đình Huệ; Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam.
Dự phiên khai mạc còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban ngành, cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước Việt Nam; hơn 500 nghị sĩ trẻ và đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế; các Đại sứ, đại diện cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
9h18: Bà Emma Muteka, Nghị sĩ Namibia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU
Bà Emma Muteka cho biết, tại Lễ khai mạc, các đại biểu sẽ được lắng nghe các bài phát biểu của: Ngài Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Thông điệp của Ngài Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (qua video); Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Ngài Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh; Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới; ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội Việt Nam.
Các đại biểu cũng sẽ lắng nghe phát biểu dẫn đề của bà Trịnh Thị Tú Anh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam và bài phát biểu dẫn đề thứ hai là thông điệp bằng video của ông Tomas Lamanauskas, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế.
Tiếp đến, Ngài Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
9h19: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9
Thay mặt Quốc hội Việt Nam và Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên, các vị khách mời tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tổ chức tại Hà Nội - thành phố vì hòa bình, Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đề xuất sáng kiến và rất vinh dự, tự hào được Liên minh nghị viện thế giới (IPU) chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2018) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường. Lần đầu tiên, cả thế giới trải qua một đại dịch COVID-19 với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự đoán. Có thể nói, chưa bao giờ môi trường chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lại đứng trước đồng thời nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs của Liên hợp quốc đang bị chậm lại, khó hoàn thành các mục tiêu. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đang trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, an ninh và phát triển của mọi quốc gia.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng chúng ta vẫn có quyền lạc quan và hy vọng về tương lai.
Trong khi toàn cầu hóa gặp khó khăn thì hàng loạt các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh. Thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là điều mong mỏi, là mẫu số chung của các nỗ lực hợp tác toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cho biết, chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” và các phiên thảo luận chuyên đề là Chuyển đổi số, Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi, thảo luận về một số nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cần làm gì và làm như thế nào để tuân thủ và bảo đảm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, là điều kiện then chốt, để giữ gìn và vun đắp hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Thứ hai, vai trò của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và giới trẻ trong giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu như: chuyển đổi số bền vững và an toàn; chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu và lan tỏa mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, để người dân và doanh nghiệp thực sự là trung tâm của mọi quyết sách trong quá trình phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là nguồn lực căn bản trong mọi nguồn lực, chúng ta cần tiếp tục làm gì và làm như thế nào trong việc hoạch định, thực thi pháp luật và tổ chức hành động hướng tới hạnh phúc của người dân.
Thứ tư, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thắt chặt sự hợp tác trong đổi mới phương cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn trên lộ trình số hóa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo chủ quyền quốc gia cũng như quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng.
Thứ năm, đề nghị IPU nghiên cứu thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để cùng nhau trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Nhấn mạnh tuổi trẻ, thanh niên chính là lực lượng gánh vác sứ mệnh, trách nhiệm lịch sử trong công cuộc hội nhập và phát triển ở mỗi quốc gia và sự thịnh vượng chung của thế giới, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng mỗi nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên sẽ phát huy trí tuệ, sức trẻ, sáng tạo, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết để đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị.
9h31: Thông điệp của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng
Gửi thông điệp tới Hội nghị, thay mặt Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu và các vị khách quý đến dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố vì hoà bình, thành phố của lòng mến khách, trung tâm hội tụ và kết tinh văn hoá Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, là tuổi “dời non, lấp biển”. Giới trẻ có những lợi thế to lớn trong tận dụng các cơ hội, nhất là các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, là lực lượng nắm giữ chìa khóa để mở ra những cánh cửa mới, những cách nghĩ và cách làm mới để xử lý hiệu quả những thách thức chung của toàn cầu trong hiện tại và tương lai.
Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” của Hội nghị lần này. Vì nó phản ánh mối quan tâm chung của chúng ta là làm thế nào để tận dụng được những thành tựu vượt bậc mà khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại, tăng cường hợp tác và liên kết quốc tế nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời mở rộng sự tham gia của giới trẻ vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các nước trên thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác cùng nghị viện các nước để biến các khuyến nghị, nghị quyết của Liên minh Nghị viện thế giới nói chung và của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu nói riêng thành hành động cụ thể, qua đó đóng góp thiết thực và hiệu quả vào hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời mong rằng mỗi nghị sĩ trẻ là một Đại sứ năng động, sáng tạo của tình hữu nghị, kết nối các nghị viện, kết nối nhân dân các nước vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
9h34: Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Duarte Pacheco bày tỏ vinh dự khi được có mặt tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và gửi lời cảm ơn chân thành tới Quốc hội Việt Nam đã một lần nữa tạo điều kiện đặc biệt cho Hội nghị đặc biệt của IPU hôm nay. Đồng thời, đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc nêu gương đi đầu trong việc trao quyền cho thanh niên…
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Duarte Pacheco mong rằng, với những điều kiện toàn diện của Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 nhất định sẽ được tổ chức thành công tốt đẹp, như thành công của Đại hội đồng IPU- 132 trước đó.
Nhấn mạnh vai trò của thanh niên, giới trẻ cho sự phát triển của mỗi quốc gia, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Duarte Pacheco cho rằng, chúng ta cần những Hội nghị như thế này để đoàn kết các nghị sĩ trẻ và củng cố ảnh hưởng của họ bằng cách học hỏi lẫn nhau, trao đổi về những chiến lược phát triển trong thời gian tới…
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Duarte Pacheco cho biết, thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn hơn bất kỳ thách thức nào chúng ta từng thấy trong quá khứ. Các Mục tiêu Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự chung của chúng ta là nhằm giải quyết những thách thức mà chúng ta gặp phải. Tuy nhiên, chúng ta đã đi được nửa chặng đường thực hiện, nhưng lại đang bị tụt lại phía sau rất xa.
Cho rằng tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này sẽ góp phần đẩy vai trò của các nghị sỹ trẻ trong hoạt động của nghị viện, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Duarte Pacheco mong muốn, các nghị sỹ trẻ sẽ có những trao đổi hết sức thực chất và hiệu quả để cải thiện và thay đổi những vấn đề chung mà thế giới chúng ta đang gặp phải, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
9h45: Ngài Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh phát biểu
Bày tỏ vinh dự được phát biểu tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Nghị sỹ Hạ viện Vương quốc Anh Dan Carden chia sẻ nỗi buồn về thiên tai xảy ra tại Marocco cũng như vụ việc cháy chung cư mini tại Hà Nội. Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cảm ơn nước chủ nhà đã rất hiếu khách, hào phóng khi đón tiếp các phái đoàn đến thành phố Hà Nội xinh đẹp.
Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cho biết, hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam đã in sâu vào tâm trí nhiều người, lịch sử nhiều nghìn năm phát triển đất nước đã bị gói gọn trong một giai đoạn chiến tranh, nhưng cuộc chiến đó đã trở thành chất xúc tác để người Việt Nam có động lực phát triển hơn nữa, đồng thời đây cũng là minh chứng cho sự cần thiết của quá trình toàn cầu hóa, nhắc nhở chúng ta không nên bị cuốn theo những tư duy cạnh tranh địa chính trị hẹp hòi.
Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU tin tưởng rằng, diễn đàn này với sự tham gia đa dạng các đại biểu sẽ mang đến những góc nhìn đa dạng về thế giới, về lịch sử. Chúng ta đã đi qua giai đoạn các cường quốc trên thế giới bị mờ mắt bởi những tham vọng quyền lực, chúng ta cần rút ra kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ.
Hiện nay, chúng ta đang phải đổi mặt với những vấn đề chưa từng có trong lịch sử nhân loại, những khủng hoảng đe dọa đến sự tồn tại. Không thể có giải pháp nào cho vấn đề biến đổi khí hậu nếu không có sự chung tay, đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Thế hệ của chúng ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, chúng ta đều cảm thấy sự cấp thiết phải giải quyết những vấn đề chung. Đã đến lúc chúng ta phải vượt qua những sự bất đồng và suy nghĩ về giải pháp từ những góc độ kinh tế, xã hội, tìm ra những giải pháp trung hạn lẫn dài hạn cho các vấn đề, thách thức toàn cầu.
9h55: Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới phát biểu
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong cho biết, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu được tổ chức đúng ngày ngày Dân chủ toàn cầu và đề nghị các đại biểu dự Hội nghị cùng nói “Chúc mừng ngày dân chủ toàn cầu” cho những người ngồi cạnh với mình.
Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong bày tỏ vui mừng được có mặt trong sự kiện quan trọng này; cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ IX.
Ông Martin Chungong đánh giá cao Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực trong đó có cả công nghệ số, với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kết hợp hai khía cạnh công nghệ và trao quyền cho thanh niên; đồng thời hoan nghênh Ban tổ chức đã tiếp cận bao trùm trong việc thu hút giới trẻ và các nghị sĩ trẻ vào việc chuẩn bị hội nghị này.
Ông Martin Chungong cho biết, tại Đại hội đồng IPU lần thứ 132 vào năm 2015 tổ chức tại Việt Nam, IPU triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đó là một cột mốc đặc biệt và thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới. Tuyên bố Hà Nội được thông qua, giúp biến những mục tiêu này thành hiện thực.
Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra các cam kết thì không thể mang lại sự thay đổi, trách nhiệm của chúng ta là biến những lời nói thành hành động. Ông hoan nghênh Việt Nam đã lồng ghép các cam kết thành các hành động cụ thể. Các cơ quan lập pháp đã ban hành luật và cải cách phù hợp liên quan trực tiếp với SDGs, nhằm giải quyết các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Trên bình diện quốc tế, IPU đã tạo điều kiện cho sự hợp tác xuyên biên giới giúp các bên liên quan chia sẻ những kinh nghiệm tốt và tạo dựng các mối quan hệ đối tác mới. IPU đã cung cấp nền tàng và công cụ kỹ thuật để hỗ trợ các nghị viện. Trong những năm gần đây, IPU đã chính thức hóa niềm tin của mình vào sức mạnh của công nghệ trong việc thúc đẩy SDGs, cụ thể là thông qua Chiến lược mới cho giai đoạn 2022-2026. Các thành viên của IPU tập trung vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi kỹ thuật số làm trọng tâm trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số.
Để đạt được mục tiêu này, IPU đã thành lập Trung tâm Đổi mới trong Quốc hội vào năm 2018 để gắn kết các nghị viện với nhau nhằm hỗ trợ cộng tác và chia sẻ kiến thức. Chúng tôi cũng đang tổ chức các sự kiện hướng tới tương lai, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh các Ủy ban Tương lai do Quốc hội Uruguay đồng tổ chức vào cuối tháng 9/2023. Thông qua những sáng kiến này và hơn thế nữa, IPU đang củng cố các phương pháp hay về cách các nghị viện có thể thực hiện các bước cụ thể để tận dụng tối đa lợi thế của kỷ nguyên số.
Để làm được điều này cần sửa đổi các thủ tục để tăng cường sự tham gia trực tuyến của các nghị sĩ để họ có thể thực hiện công việc của mình dễ dàng hơn. Phát triển các nền tảng mới để các nghị sĩ, nghị viện kết nối với cử tri để đóng góp cho nghị viện. Thành lập hoặc tăng cường các cơ quan của nghị viện có tầm nhìn về tương lai, như Ủy ban Tương lai để dự đoán và giải quyết các xu hướng dài hạn hoặc các cú sốc trong tương lai; rong đó cũng khuyến khích quan điểm của giới trẻ được đưa đầy đủ vào các ủy ban này. Đồng thời, cân nhắc tránh không gian trực tuyến được sử dụng làm nơi sản sinh ra bạo lực trên cơ sở giới. Đây là lý do tại sao IPU kêu gọi các nghị viện đưa ra các chính sách và thủ tục để ngăn chặn và giải quyết hành vi quấy rối và bạo lực do công nghệ hỗ trợ đối với các nghị sĩ.
Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong nhấn mạnh, những nghị sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển, đóng góp những quan điểm, năng giải pháp đổi mới vào các quy trình của nghị viện; đồng thời chia sẻ thực tiễn, nâng cao tiếng nói của nghị sĩ trẻ về những vấn đề quan tâm, nhất và kết nối với giới trẻ tốt hơn.
Hội nghị này cũng là một lời nhắc nhở có bộ phận phụ nữ trẻ bị phân biệt đối xử. Sự đóng góp của phụ nữ trẻ không chỉ cần thiết trong nghị viện, mà còn trong sứ mệnh toàn cầu rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy SDGs thông qua chuyển đổi và đổi mới kỹ thuật số. Với tư cách là những nghị sĩ trẻ, cần trở thành người tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới hơn nữa, IPU cam kết vì mục tiêu này.
Kết luận bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong nhấn mạnh: Với tư cách là những người trẻ, đóng vai trò trung tâm trong hành trình này, niềm đam mê, nhiệt huyết và sự cống hiến của bạn trẻ trong việc thúc đẩy SDGs thông qua chuyển đổi và đổi mới kỹ thuật số, là ánh sáng dẫn đường cho tất cả chúng ta; IPU tự hào được đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ bạn trẻ trong sứ mệnh này.
10h11: Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu
Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam hiện là một quốc gia có dân số trẻ. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đối với thế hệ trẻ, năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam gồm các đại biểu Quốc hội có độ tuổi dưới 45. Đây là diễn đàn tập hợp các đại biểu Quốc hội trẻ để cùng trao đổi, đề xuất những vấn đề liên quan đến thanh thiếu nhi trong quá trình hoạt động của Quốc hội, là cơ chế để bồi dưỡng, thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu trẻ trong các hoạt động của Quốc hội và giao lưu, học hỏi, chia sẻ với nghị sĩ trẻ các nước trên thế giới về những vấn đề quan tâm chung của thanh niên và trẻ em.
Cũng như nghị sĩ trẻ các nước, sự hiện diện của các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã góp phần tích cực vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, trở thành cầu nối đưa tiếng nói của người trẻ đến Quốc hội trong quá trình lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cùng với đó, đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao nghị viện, các diễn đàn đa phương, song phương.
Bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn Liên minh Nghị viện thế giới đã tin tưởng để Việt Nam đăng cai Hội nghị rất quan trọng này, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Quốc hội, đặc biệt là Ngài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Ngài Chủ tịch, Ngài Tổng Thư ký IPU và Ngài Chủ tịch Diễn đàn nghị sĩ trẻ thế giới, cùng với trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã có nhiều điều kiện và tham gia tích cực trong công tác chuẩn bị Hội nghị, được trực tiếp tham gia ý kiến để xây dựng các nội dung, chương trình, hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ khác, góp phần vào thành công chung của Hội nghị.
Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là cơ hội rất tốt để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ mối quan tâm và mở rộng hợp tác với các nghị sĩ trẻ trong cộng đồng Liên minh nghị viện thế giới. Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đặc biệt tâm đắc với chủ đề của Hội nghị “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Tiếp nối nội dung các Hội nghị trước đó, chủ đề này đã đáp ứng được 3 mục tiêu quan trọng: đề cập đến các vấn đề toàn cầu mà tất cả các quốc gia cần chung tay giải quyết; đáp ứng nhu cầu tự thân của giới trẻ và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ở Việt Nam, Quốc hội đang thúc đẩy hoàn thiện khung khổ pháp lý và nền tảng thể chế cho quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình và cam kết sẽ tham gia một cách tích cực, có hiệu quả trong quá trình xây dựng, hoàn thể thể chế, khung khổ pháp lý; tham gia giám sát có hiệu quả đối với việc thực thi chính sách và truyền tải cho được thông điệp của Hội nghị tới các cử tri trẻ.
Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam kỳ vọng rằng, tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị lần này sẽ là động lực góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững; đồng thời thúc đẩy việc trao quyền cho giới trẻ, mở rộng sự tham gia của giới trẻ vào các tiến trình dân chủ và tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.
10h19: Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu dẫn đề về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, bối cảnh quốc tế thời gian gần đây cho thấy mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia đã và đang bị tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi mỗi quốc gia sớm có những đánh giá và điều chỉnh hợp lý để duy trì mục tiêu phát triển của mình theo hướng nhanh và bền vững hơn.
Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, Hội nghị lần này đã phản ánh rất đúng xu thế phát triển và mối quan tâm của các quốc gia hiện nay khi phát triển bền vững, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều những khó khăn, thách thức.
Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để những đại biểu, nghị sĩ trẻ có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm, về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta cùng hướng tới một tiếng nói chung, cùng tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu để hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong suốt thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển của mình; được cộng đồng quốc tế ghi nhận mà nổi bật là kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các con số ấn tượng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu rõ, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong đảm bảo an sinh xã hội, đó là: Việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo đa chiều; tăng tỷ lệ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận năng lượng, phủ sóng điện thoại di động; Độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đạt tương ứng là 27,31% và 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và của châu Á…
Thứ hai, về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), là một trong 5 quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực và xếp hạng 54 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình được ban hành như Luật Đầu tư 2020; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa…
10h33: Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế Tomas Lamanauskas phát biểu ghi hình dẫn đề
Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế Tomas Lamanauskas bày tỏ vinh dự khi được chia sẻ những thông điệp tới các đại biểu tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Phó Tổng Thư ký Tomas Lamanauskas nêu rõ, chủ đề của Hội nghị lần này rất quan trọng. Trong thế giới hiện nay đang phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu, đang ghi nhận khoảng thời gian nóng nhất trong 3 tháng mùa hè năm nay và chứng kiến những vụ cháy khủng khiếp, khói đen ngập trời xảy ra trên rất nhiều nơi chỉ trong vài tháng qua...
Tổng Thư ký Liên hợp quốc gọi đó là một bộ mặt của biến đổi khí hậu. Rõ ràng rằng, những hành động hiện nay vẫn chưa đủ khi đang phải đối mặt với mức phát thải đạt mức kỉ lục.
Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế cho biết, hiện nay đã đi được nửa chặng đường của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Đồng thời nhận thấy, tại thời điểm này chỉ có 15% mục tiêu phát triển bền vững đi đúng hướng và còn rất nhiều vấn đề cần phải hoàn thành trước năm 2030. Bên cạnh đó, thế giới đang phải đối mặt với sự căng thẳng, sự thiếu niềm tin sâu sắc, đòi hỏi phải đoàn kết lại với nhau để đối mặt với những thách thức với tư cách là một cộng đồng nhân loại.
Trong bối cảnh này, việc tận dụng sức mạnh của công nghệ số để cứu lấy hành tinh, đưa quỹ đạo trở lại đúng hướng, đồng thời đưa thế giới vào con đường thịnh vượng, bền vững là vô cùng quan trọng. Quản lý rủi ro và công nghệ số đã chứng minh được sức mạnh của mình và đã thay đổi cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới theo hướng tốt đẹp hơn...
Công nghệ số cũng có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết hậu quả của khủng hoảng biến đổi khí hậu; tăng cường hiệu suất trong giao thông vận tải; hỗ trợ quản lý thiên tai;... Công nghệ đã trở nên không thể thiếu trong thế giới ngày nay, thế nhưng 1/3 nâhn loại vẫn chưa biết đến mạng. Đây thực sự là sứ mệnh của UNESCO để thúc đẩy quyền truy cập toàn cầu an toàn và bền vững.
Theo Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới nổi đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nên việc bắt kịp khoảng cách số hoá đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó nhấn mạnh, để có thể được tác động và hưởng lợi từ công nghệ mới, các nghị sĩ cần phải kết nối trước tiên với tư cách là chính trị gia và thuộc thế hệ chuyển đổi số.
Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế kêu gọi Hội nghị tập trung vào việc thúc đẩy kết nối có ý nghĩa trong quốc gia của mình để hướng tới cơ sở hạ tầng số hoá bền vững, đảm bảo truy cập an toàn, thiết bị giá rẻ và giá cước dữ liệu thấp. Đồng thời khuyến khích các đại biểu ủng hộ việc đầu tư bền vững, sử dụng kỹ năng số hoá và khởi nghiệp để có thể tạo ra ý tưởng và giải pháp sáng tạo từ các nhà chính trị trẻ tuổi và mở rộng phạm vi trên toàn thế giới.
10h39: Bà Emma Muteka, Nghị sĩ Namibia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu kết thúc phiên khai mạc Hội nghị
Bà Emma Muteka cho biết, phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 kết thúc tại đây. Vào 11h sáng nay, các đại biểu sẽ tiến hành phiên thảo luận chuyên đề về Chuyển đổi Số.