TẬP TRUNG GIẢI PHÁP THÁO GỠ NÚT THẮT ĐANG CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

17/09/2023

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những thách thức to lớn, từ sản xuất, xuất nhập khẩu, tiếp cận khách hàng do những bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu. Theo các chuyên gia cần triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ các rào cản khó khăn cho doanh nghiệp, khi hiện số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang tăng cao. Đây cũng là vấn đề sẽ được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra ngày 19/9 tới.

DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2022: DẤU ẤN VỀ QUỐC HỘI TÍCH CỰC ĐỔI MỚI VÀ CHỦ ĐỘNG LẮNG NGHE

CHUYÊN GIA KỲ VỌNG: DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI 2022 CUNG CẤP CĂN CỨ KHOA HỌC CHO CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI

Doanh nghiệp rời khỏi thị trường năm 2023 cao nhất trong các năm trở lại đây

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đánh giá, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Trên bình diện quốc tế, lạm phát đang ở mức cao và các ngân hàng trung ương toàn cầu theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt. Các căng thẳng về chính trị cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, làm gia tăng áp lực cho thương mại – đầu tư toàn cầu.

8 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp( ảnh minh họa)

Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của cả nước chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2020 khi cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Con số 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước ( ảnh minh hoạ)

Sức khoẻ của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thể hiện qua một chỉ số khác là xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản… Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2023 mức độ sụt giảm giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2022 là 13,1% (trong đó xuất khẩu giảm 10%, nhập khẩu giảm 16,2%). Điều này có nguyên nhân quan trọng từ sự suy giảm của thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giảm, trong đó có những thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam như Hoa Kỳ hay các nước Châu Âu.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm đáng kể nếu biết rằng trong giai đoạn cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp so với 8 tháng đầu năm 2021 là 9,2%. Những thống kế trên cho thất thực trạng khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong giai đoạn 9 tháng qua.

TS.Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển doanh nghiệp

Thực tế này có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển. Trong đó có việc cải thiện tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện, cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu qủa.

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Trong số các kênh dẫn vốn chính của doanh nghiệp hiện nay, vay tiền từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác vẫn là cách thức phổ biến nhất. Tiếp cận vốn qua ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80% quy mô dòng vốn từ bên ngoài của các doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu gặp nhiều biến cố trong năm 2022 và thị trường chứng khoán chưa khởi sắc đáng kể. Trong đó, điển hình nhất là doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp.

Dù mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm đáng kể từ sau quý I/2023 nhờ những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn kém vì đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh, kéo theo nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp của các doanh nghiệp.

TS. Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra một nguyên nhân khác, dù nhìn nhận một cách tổng thể hoạt động cải cách hành chính đã giúp cải thiện nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp về việc tiếp cận đất đai, tuy nhiên mức độ chuyển biến trên thực tế là không toàn diện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phản ánh những vấn đề như “phải trả chi phí không chính thức”, “xác định giá đất quá lâu”, “cán bộ giải quyết thủ tục không hướng dẫn đầy đủ”, “không đúng quy trình, thủ tục” và “giá đất không đúng quy định”. Trong số các vấn đề kể trên, trả chi phí không chính thức là tình trạng khá nhức nhối và phổ biến hơn ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo ước tính từ dữ liệu điều tra PCI, khoảng 40% doanh nghiệp thực hiện thủ tục đất đai đã chấp nhận trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục.

Doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đối diện với nguy cơ khiến Việt Nam bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác do chi phí kinh doanh tăng cao ( ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, theo TS. Đậu Anh Tuấn, các chi phí kinh doanh tại Việt Nam như các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn;  chi phí vận tải, logistics vẫn còn cao. Những rào cản về chi phí kinh doanh đã làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. TS Đậu Anh Tuấn nêu thực tế như lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang bị Bangladesh vượt qua rất nhanh. Một trong những lý do vì hàng hoá của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công của họ thấp hơn, gồm cả lương tối thiểu và các khoản phải đóng khác. Từ đó có thể dẫn đến các nguy cơ khiến Việt Nam bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên. Kết quả là chúng ta phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc làm, và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm.

TS. Đậu Anh Tuấn phân tích thêm một số nguy cơ, nền kinh tế Việt Nam vẫn thiếu vốn, chúng ta cần cạnh tranh thu hút vốn, nhưng nếu các chi phí lao động quá cao thì dòng vốn sẽ không chảy vào nước ta. Trong bối cảnh các chính sách thu hút đầu tư mà Việt Nam áp dụng từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, một nguyên nhân khác nữa là do khâu thực thi pháp luật chưa có nhiều cải thiện. Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật.  Từ đó, theo VCCI, các doanh nghiệp đề nghị cần nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật theo hướng tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các Thông tư, các quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời áp dụng nguyên tắc không hồi tố cần nghiên cứu áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp. Cuối cùng là bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con, vì nếu doanh nghiệp vi phạm thì đã có biện pháp tước giấy phép, áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật.

TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia 

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, với những nguyên nhân nội tại cả khách quan và chủ quan đã được nhìn nhận, trong thời gian tới, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, ngoài củng cố những động lực tăng trưởng hiện hữu xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng thì cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, TCTD, đấu thầu…), thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo TS. Cấn Văn Lực, để các động lực tăng trưởng phát huy tối đa hiệu quả, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 cần tập trung thảo luận đưa ra giải pháp nhằm xây dựng và thực thi các chính sách, giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách trơn tru hơn nữa, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp hơn nữa, nâng cao chất lượng tăng trưởng, củng cố động lực tăng trưởng hiện tại, khai thác động lực mới, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trong thời gian tới.

Hải Yến