ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

20/09/2023

Sáng 20/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 26 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Xây dựng, Bộ Công an,….

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo về: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013;…. Đồng thời, bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô mà chưa được các dự án Luật này xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Về quá trình soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các bộ, ngành và các địa phương liên quan tổng kết thi hành Luật Thủ đô 2012, rà soát, lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của dự thảo Luật được Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ý kiến thảo luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến kết luận của của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội theo Thông báo số 1955/TB-VPQH ngày 14/8/2023 của Văn phòng Quốc hội….

Tại Phiên họp, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào những nội dung trọng tâm của dự án Luật.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về nội dung Phiên họp.

Lê Anh - Nghĩa Đức