ĐẢM BẢO THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

24/09/2023

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, nhiều chuyên gia cần có sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, bằng cách quy định cụ thể trong các quy phạm pháp luật đồng thời thực hiện những biện pháp có tính tổng thể, đồng bộ, toàn diện.

Đưa ra một số giải pháp về hoàn thiện pháp luật đảm bảo thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, TS. Nguyễn Phương Lan, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, để các biện pháp trở nên dễ hiểu để áp dụng và trở thành hiện thực trên thực tế, cần có sự quy định cụ thể hơn như sau:

Quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bằng việc quy định “bảo đảm tỷ lệ thích đáng” nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu hội đồng nhân dân, “bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng” được bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước còn mang tính chất chung chung, cần có quy định một cách cụ thể dưới dạng quy phạm pháp luật tỉ lệ nữ cần đạt được một cách tương ứng ở các vị trí nhất định để xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn phù họp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Các mục tiêu cần đạt được về việc phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có ý nghĩa là mục tiêu phấn đấu nhưng chưa là quy định bắt buộc; do đó cần có quy định cụ thể về tỉ lệ cần đạt được này trong các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là trong kế hoạch quy hoạch, phát triển cán bộ của từng cấp, từng ngành.

TS. Nguyễn Phương Lan, Trường Đại học Luật Hà Nội

Quy định phải có tỷ lệ nữ tối thiểu 35% trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là chưa đủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là có trên 35% nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ năm 2020 trở đi. Với quy định này có thể thấy, 100% nữ ứng viên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải trúng cử, mà điều đó thì không thể xảy ra, bởi còn nhiều rào cản văn hoá, rào cản giới chi phối việc trúng cử của ứng viên nữ.

Do đó, để bảo đảm tỷ lệ đạt trên 35% nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ năm 2020 trở đi, trong danh sách chính thức những người ứng cử phải quy định tỷ lệ bắt buộc cần đạt được đối với nữ tối thiểu là 45% trở lên và cần quy định rõ trong văn bản pháp luật có liên quan tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp cần đạt được là từ 35% trở lên.

Cần có hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới: “nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; quy định ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam ” (điểm e, f khoản 1 Điều 19) trong các văn bản pháp luật điều chỉnh về chính sách cán bộ. Đây là yêu cầu cần thiết, khách quan để hiện thực hóa quy định của Luật Bình đẳng giới về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong việc thực hiện chính sách cán bộ nói chung cũng như việc bổ nhiệm cán bộ nữ nói riêng trên thực tế.

Trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng cần quy định rõ tỉ lệ nữ lãnh đạo cần đạt được ở các cấp cao nhất của các ngành, các lĩnh vực, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cần quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác nữ, đảm bảo sự phát triển của phụ nữ trong tham gia, tiếp cận các vị trí lãnh đạo. Điều này cũng phù hợp với quy định của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước về công tác nữ, về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cần được quy định cụ thể và thống nhất, đồng bộ trong các văn bản khác có liên quan dưới dạng quy phạm pháp luật có tính mệnh lệnh chứ không phải quy phạm tùy nghi. Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được chứ không phải là “phấn đấu”.

Đối với giải pháp về tổ chức thực hiện, TS. Nguyễn Phương Lan và một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chưa phải là mục tiêu mà chỉ là một cách thức, “công cụ” để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực chính trị. Các biện pháp này muốn thực hiện được cần có sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, bằng cách quy định cụ thể trong các quy phạm pháp luật đồng thời thực hiện những biện pháp có tính tổng thể, đồng bộ, toàn diện... để thực hiện được các chỉ tiêu đã đặt ra.

Bên cạnh đó cần có những giải pháp giải quyết những vướng mắc, bất cập liên quan, gây cản trở đến quyền tham gia chính trị và tiếp cận các vị trí lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong các cơ quan công quyền. Đó có thể là một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần có kế hoạch xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ một cách lâu dài, thường xuyên, với tầm nhìn chiến lược lâu dài. Kế hoạch quy hoạch cán bộ nữ cần cụ thể hóa ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương với tỉ lệ cụ thể đảm bảo tính định lượng, trên cơ sở đó có báo cáo, đánh giá kết quả đạt được, những điểm cần rút kinh nghiệm hoặc phát huy và lộ trình cần thực hiện. Việc thực hiện quy hoạch cán bộ nữ được giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu ngành, địa phương... và phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành.

Thực hiện quy hoạch cán bộ nữ gắn với trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ ở các địa phương, các cấp, các ngành nên cần sâu sát, kịp thời, nhằm tháo gỡ những khó khăn nhất định, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ có thể hoàn thành tốt quá trình đào tạo bồi dưỡng. Vì lẽ đó, "cần đưa tiêu chí về công tác cán bộ nữ trong đánh giá, kiểm điểm hằng năm của các cơ quan, ban hành chính sách nhằm nâng cao năng lực cho nữ lao động, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ viên chức”.

Thứ hai, việc sắp xếp danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cần cân nhắc các yếu tố giới chi phối tới khả năng trúng cử của phụ nữ. Cùng với việc cần quy định tỷ lệ nữ bắt buộc trong danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp với tỉ lệ cao hon theo quy định hiện hành lên 45% (để có thể đảm bảo tỷ lệ nữ trúng cử đạt trên 35%) thì việc sắp xếp danh sách, phân chia các nữ ứng cử viên về các khu vực bầu cử cũng phải có nhạy cảm giới. Việc sắp xếp danh sách bầu cử tại cùng một khu vực bầu cử một tỷ lệ ứng cử viên nữ bắt buộc tối thiểu phải đi đôi với sự tương quan về trình độ chuyên môn, bằng cấp, vị trí công tác... của các ứng cử viên nữ so với các ứng cử viên nam thì mới đảm bảo khả năng, cơ hội nữ ứng cử viên được cử tri lựa chọn.

Thứ ba, cần xóa bỏ các rào cản về văn hóa, phong tục tập quán, định kiến giới, các quan niệm về vai trò giới, khuôn mẫu giới truyền thống cản trở việc phụ nữ tham gia, tiếp cận và đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quản lí nhà nước. Giải pháp cần có tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện và cơ bản nhất là quy định “đưa nội dung phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào chương trình học của tất cả các bậc học” cần được sớm triển khai, hiện thực hoá.

Thứ tư, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về giới một cách thống nhất, đồng bộ. Đây là việc làm rất cấp thiết, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm hệ thống hóa các dữ liệu thống kê tách biệt giới, cung cấp những dữ liệu về giới để có thể tiến hành phân tích giới một cách khoa học, từ đó có cơ sở đề xuất chính sách về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.

Hồ Hương