Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ quan tâm đến vấn đề nâng cao năng suất lao động đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo đó, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, mặc dù mức năng suất lao động của nước ta đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới do cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam thời gian qua mặc dù diễn ra khá nhanh nhưng đến nay lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Đến năm 2022, nước ta có trên 13,9 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số lao động toàn nền kinh tế (nếu tính cả số lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì có trên 18 triệu lao động), trong khi năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 43,1% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế bởi vì đa số lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định, tạo ra giá trị gia tăng thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp. Đồng thời, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, lao động ra khỏi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chủ yếu chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ có thu nhập thấp nên tác động không đáng kể tới việc thúc đẩy tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế.
Một trong những nguyên nhân khiến tăng năng suất lao động không đạt như kỳ vọng là bởi chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành: Theo quy luật phát triển kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi, năng suất lao động của nền kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng năng suất lao động nội ngành. Thực tế hiện nay, kinh tế nước ta chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của từng ngành; tăng trưởng của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào việc mở rộng quy mô của các ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, vì vậy mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực phát triển, đồng thời dẫn dắt tăng năng suất lao động của nền kinh tế nhưng tập trung cao ở những ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp và trung bình. Trong khi đó, các ngành sản xuất có công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động theo phương thức nhập khẩu linh kiện, tận dụng lao động giá rẻ, tiến hành gia công lắp ráp, tác động lan tỏa đối với khu vực sản xuất trong nước chưa nhiều nên giá trị tăng thêm tạo ra ở trong nước tương đối thấp, chưa tạo đột phá về tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp: Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, là chủ thể thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt, quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước. Tuy vậy, khu vực doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự là nhân tố và động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Trong ba loại hình doanh nghiệp hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước có mức năng suất lao động cao nhất, tiếp đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) và cuối cùng là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cao nhất là nhờ đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hóa trong thời gian qua, đồng thời phát huy được lợi thế từ việc thụ hưởng các nguồn lực của đất nước, như vốn, chính sách thuế và công nghệ, vị trí kinh doanh, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, giá trị tăng thêm của ngành khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên dầu mỏ, than…, hay các doanh nghiệp Nhà nước được tạo điều kiện thuận lợi về sử dụng các tài nguyên vô hình như tần số, vô tuyến điện.
Khu vực doanh nghiệp FDI trong giai đoạn vừa qua đóng góp tích cực vào việc cải thiện năng suất lao động thông qua việc mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào một số ngành sử dụng lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, ít đòi hỏi cao về trình độ lao động, trong khi các ngành hiện đang được khuyến khích đầu tư như nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất thiết bị y tế, giáo dục, logistic... thì vẫn chưa thu hút được nguồn vốn FDI như kỳ vọng. So với các loại hình doanh nghiệp khác, năng suất lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất. Do chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp nên năng suất lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Có ba nhóm nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước chưa thực hiện được vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế:
Một là, doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và năng lực cạnh tranh thấp. Thực tế quy mô doanh nghiệp trong nước quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 97,4% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu (100-299 lao động) để có được mức năng suất lao động cao nhất.
Hai là, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Qua nghiên cứu cho thấy những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) có mức năng suất lao động cao hơn so với các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp chi cho các hoạt động R&D ở Việt Nam vẫn còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh có trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.
Ba là, doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hầu như các doanh nghiệp trong nước chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn, công ty đa quốc gia nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ, năng lực quản trị và năng suất lao động từ các tập đoàn, công ty đa quốc gia.
Một nguyên nhân khác khiến chậm tăng năng suất là bởi nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội: Thị trường lao động nước ta hiện nay có một số hạn chế đáng lo ngại. Cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được các tiêu chí của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Khả năng hội nhập của lao động Việt chưa cao. Trình độ tay nghề tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Cơ cấu lao động theo ba khu vực kinh tế chưa hợp lý. Số lượng lao động tăng nhanh ở khu vực phi chính thức. Chất lượng lao động không đáp ứng nhu cầu. Tính bấp bênh và dễ bị tổn thương đến việc làm và thu nhập của người lao động khá cao. Lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp bằng, chứng chỉ còn thấp, năm 2022 đạt 26,4%. Nói cách khác, toàn nền kinh tế hiện có tới 37,2 triệu lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó, chiếm 73,6% tổng số lao động. Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Đặc biệt, đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm cả về nguyên vật liệu và thời gian, cả người quản lý lẫn người lao động còn rất yếu về ý thức tiết kiệm. Ngoài ra, người lao động thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.