THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ

02/10/2023

Ngày 2/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về đào tạo trình độ tiến sĩ. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chủ trì tọa đàm.

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Toàn cảnh Tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tiến sĩ là trình độ đào tạo và là học vị khoa học cao nhất trong hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Việc phát triển quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ luôn thu hút sự quan tâm lớn của các nước, nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức. Tính đến năm 2022, Việt Nam có 196 cơ sở được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành, với tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ đã quy định khá đầy đủ các nội dung cần thiết, các hoạt động từ mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành một số văn bản chưa có sự đồng bộ, chậm tiến độ. Mặc dù công tác đào tạo trình độ tiến sĩ những năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước; đồng thời phát triển theo hướng tiệm cận mức chuẩn khu vực và quốc tế.vTuy nhiên, thực tế tại các cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc mở mới ngành đào tạo ở những lĩnh vực ngành nghề đáp ứng xu thế phát triển của khu vực và thế giới còn hạn chế; quy mô ngành đào tạo khá nhỏ và phân tán…

Đáng chú ý, các đại biểu cho biết, một số cơ sở đào tạo tiến sĩ như Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gặp vướng mắc trong bảo đảm số lượng, tỷ lệ giảng viên cơ hữu vì hầu hết giảng viên của các đơn vị này đang là chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu viên thuộc các viện nghiên cứu thành viên của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tương tự là trường hợp của Học viện Khoa học xã hội, cũng thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đại biểu phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, nhìn trên mặt bằng chung, kinh phí dành cho hoạt động đào tạo tiến sĩ còn thấp. Các cơ sở đào tạo tiến sĩ gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu, tiếp cận tài liệu, công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án. Trong khi đó, cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế được cho là xuất phát từ nguồn lực đầu tư công cho giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn hạn hẹp; gánh nặng học phí, kinh phí thực hiện thí nghiệm, thực hành cũng như yêu cầu cao về chuẩn đầu ra, nhất là yêu cầu về ngoại ngữ khiến cho lượng thí sinh dự tuyển nghiên cứu sinh có xu hướng giảm trong thời gian qua; áp lực cân đối thu chi của các trường thực hiện tự chủ tài chính cũng là một nhân tố tác động không nhỏ tới phát triển hài hòa giữa tăng trưởng về quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo…

Bên cạnh đó, nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ có hệ thống học liệu lạc hậu, thiếu cập nhật; nhiều học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội học tập, không đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình; tại không ít cơ sở, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý còn yếu về năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; thiếu về số lượng có học hàm, học vị cao nhưng lại chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả…

Về định hướng giải pháp thời gian tới, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ; trong đó quan tâm rà soát, chỉnh sửa, bổ sung văn bản quy định về chuẩn chương trình; mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Các quy định phải có tầm nhìn chiến lược, “ánh xạ” với những chuẩn của khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, cần gắn chặt đào tạo tiến sĩ với hoạt động nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Bản thân các trường cũng cần thay đổi tư duy, coi nghiên cứu sinh thực sự là lực lượng nghiên cứu, tạo ra sản phẩm trí tuệ, tạo ra chất lượng của trường đại học chứ không đơn thuần là đối tượng đào tạo…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa 

Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Tọa đàm; cho rằng đào tạo tiến sĩ là công việc hết sức quan trọng trong phát triển nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát thực tiễn tại 15 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ đại diện cho các loại hình sở hữu, mô hình tổ chức và hoạt động, lĩnh vực đào tạo ở các vùng, miền trong cả nước. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, với quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng theo hướng ngày càng tốt, thực tế đào tạo trình độ tiến sĩ đang ngày càng mang lại thành quả, tạo ra lực lượng cung cấp nhiều giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, rõ ràng, đào tạo tiến sĩ cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, các kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu... tại tọa đàm sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thiện báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới./.

Thu Phương