CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

03/10/2023

Nhằm tạo đột phá, huy động nguồn lực phát triển, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nội dung liên quan tới tài chính, ngân sách và thu hút đầu tư để bảo đảm tính khả thi.

DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): NHIỀU NỘI DUNG MANG TÍNH ĐỘT PHÁ, ĐẶC THÙ

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Dự thảo Luật được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Theo đó, về tài chính, ngân sách, kế thừa cơ bản Luật Thủ đô 2012, đồng thời luật hoá một số quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Điều 36 dự thảo Luật quy định: Ngân sách thành phố Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Đồng thời, quy định tại dự thảo cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dự thảo Luật còn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù sau đây: Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn  hóa, thể thao của Thủ đô; Quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp;…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với các quy định về các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô tại Chương IV nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi. Cụ thể: xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp (khoản 4 Điều 35); nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39), thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công (Điều 42); các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược (Điều 45),…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Quan tâm tới quy định tại dự thảo, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cần xác định rõ hình thức, cách thức ưu đãi thuế phù hợp. Hiện nay, các hình thức ưu đãi thuế đang áp dụng ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế trực thu và ưu đãi về thuế gián thu. Cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới, mục tiêu áp dụng chính sách ưu đãi thuế là nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.

Có thể thấy, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu là các loại hình ưu đãi xác định dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó, ưu đãi về giảm mức thuế suất, áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế là phổ biến nhất. Các hình thức ưu đãi thuế khác như giảm trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo đầu tư hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam, mặc dù theo nhiều nghiên cứu, tính minh bạch của các loại hình ưu đãi này cao hơn so với ưu đãi về kỳ miễn, giảm thuế.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo thống nhất trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật thuế và các văn bản liên quan. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật văn bản chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật quy định chung có sự chồng lắp khi điều chỉnh cũng một vấn đề. Do đó, nếu tuân thủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp luật chung và luật chuyên ngành cùng liên quan đến một vấn đề, nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành để áp dụng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thứ ba, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản quy định chung thì lựa chọn văn bản nào để áp dụng là vấn đề khó khăn và tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất.

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia 

Vì vậy, để tạo tính đột phá, vượt trội cũng như sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, TS. Vũ Như Thăng đề xuất: Thay vì ưu đãi thuế suất (đã có quy định trong Luật thuế hiện hành hoặc dự kiến quy định trong các đợt sửa đổi, bổ sung), nghiên cứu các giải pháp kéo dài thời gian áp dụng ưu đãi thuế một cách hợp lý; Nghiên cứu áp dụng các giải pháp hỗ trợ tín dụng thuế đầu tư thay vì ưu đãi trực tiếp bằng việc giảm thuế suất và kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi.

Liên quan tới quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Luật đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, TS. Vũ Như Thăng kiến nghị, cần làm rõ căn cứ, đánh giá cụ thể các tiêu chí để xác định quy mô của dự án cũng như năng lực nhà đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên.

Ngoài ra, về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, TS. Vũ Như Thăng đề xuất vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để đảm bảo khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách. Để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo sự đột phá cho địa phương, có thể quy định mức trần vay nợ từ 150 - 200% tổng thu ngân sách hưởng theo phân cấp (hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh được vay không quá 120%). /.

Lê Anh

Các bài viết khác