Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, việc phân loại đất được quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có điều chỉnh không đáng kể so với quy định của Luật Đất đai 2013. Việc phân loại đất thường có nhiều ý kiến thảo luận khác nhau. Sở dĩ như vậy vì mỗi hệ thống phân loại đất lại đáp ứng cho các mục tiêu quản lý khác nhau. Không thể có một hệ thống phân loại đất đáp ứng cho tất cả các mục tiêu quản lý. Cụ thể: Thống kê, kiểm kê đất đai cần một hệ thống phân loại đất chi tiết nhất gắn với các đối tượng sử dụng đất. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại cần một hệ thống phân loại theo không gian sử dụng đất (các vùng sử dụng đất). Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lại cần một hệ thống phân loại dựa trên giá trị đất đai.
Như vậy, trong Luật Đất đai, cần tới tối thiểu 3 hệ thống phân loại đất: Phân loại chi tiết để thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai; Phân loại vùng sử dụng đất để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Phân loại theo mức giá trị quyền sử dụng đất để quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất. Mặt khác, như trên đã phân tích, tại Điều 9 chỉ đưa ra các thuật ngữ về phân loại đất theo kiểu mặc định mà không có xác định ngữ nghĩa pháp luật đi kèm. Trong khi đó, ngữ nghĩa pháp luật của các loại đất được đặt tại Chương XIII - Chế độ sử dụng đất. Logic trình bày pháp luật như vậy là không phù hợp.
Vì vậy, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đề xuất: Phân loại đất cần được cấu trúc thành một mục hoặc một chương riêng, trong đó có tên gọi các loại đất và xác định ngữ nghĩa pháp lý của từng loại đất. Về mặt hệ thống phân loại, thiết lập 3 hệ thống phân loại đất để phục vụ 3 mục tiêu chính bao gồm: Thống kê, kiểm kê đất đai; Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; và quản lý mục đích sử dụng đất.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngoài ra, liên quan đến quy định về giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, nội dung này được Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định tại 21 điều từ Điều 90 đến Điều 110, trong đó có một số đổi mới ở mức độ nhất định.
Về bồi thường, vẫn giữ quy định gần như cũ, bao gồm bồi thường về đất, bồi thường về kinh phí đầu tư vào đất còn lại và bồi thường về tài sản gắn liền với đất. Điểm đổi mới ở đây là việc bồi thường về đất có thể được thực hiện bằng đất khác loại hoặc các tài sản gắn liền với đất khi địa phương có thể giải quyết. Phương thức bồi thường này rất quan trọng vì vừa là bồi thường và vừa tạo cơ hội để người dân bị thu hồi đất có thể chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế mới.
Tuy nhiên, về hỗ trợ, vẫn bao gồm các khoản như pháp luật hiện hành: hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ di dời; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ khác. Nhìn vào quy định này, trừ hỗ trợ khác, các hỗ trợ đều có thực chất là bồi thường. Do đó, nên chuyển toàn bộ các khoản hỗ trợ (trừ hỗ trợ khác) thành các khoản bồi thường. Bên cạnh đó có thể hình thành các khoản hỗ trợ từ trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư được giao, cho thuê đất.
Vì vậy, để hoàn thiện quy định này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị, quy định riêng một mục về bồi thường thiệt hại khi quyền sử dụng đất bị hạn chế, có xem xét tới cả hạn chế về mặt bằng và hạn chế về chiều đứng (xây dựng lên cao và xuống sâu); Các khoản hỗ trợ, trừ hỗ trợ khác, đều chuyển về nội dung bồi thường cho đúng tính chất của chính sách. Đồng thời, quy định về cơ chế “chia sẻ lợi ích” từ dự án đầu tư dưới dạng “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp đối với địa phương nơi có đất và những người bị thu hồi đất; Hỗ trợ khác từ phía Nhà nước và hỗ dưới dạng “chia sẻ lợi ích” từ dự án đầu tư trở thành các khoản hỗ trợ cho cả chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư địa phương và những người dân có đất cho dự án;…
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5. Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 263 điều, 16 chương với dự thảo lần này, dù số lượng chương và điều vẫn giữ nguyên so với dự thảo tháng 6/2023, song các nội dung chỉnh sửa chi tiết hơn, thể hiện sự cẩn trọng, khoa học trong việc chọn lọc các từ ngữ, tăng tính logic kết nối, logic giữa các chương, các cấu phần và giữa các điều khoản.
Hiện Dự thảo Luật đang tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện đặc biệt là một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau; một số điều vẫn đang dự thảo theo 2 phương án. Dự kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (10/2023) tới đây./.