TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ TRƯỚC QUỐC HỘI

05/10/2023

Trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội là vấn đề hết sức quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình nghiêm túc, đầy đủ, có chất lượng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia hoạt động này cần tiếp tục được phát huy, tăng cường nhằm đảm bảo hoạt động thực thi pháp luật được nghiêm minh, kịp thời, hiệu quả,...

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội

Tại Điều 94 Hiến pháp 2013 quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Điều 96 quy định Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có: “Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”;

Từ quan niệm chung về trách nhiệm giải trình cũng như xem xét nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, có thể hiểu một cách đơn giản là Chính phủ có trách nhiệm báo cáo và giải trình trước Quốc hội về việc tổ chức thi hành pháp luật từ Hiến pháp đến luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

Chính phủ “chịu trách nhiệm trước Quốc hội” cũng có thể hiểu là chịu sự theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cùng với những hệ quả pháp lý.

Quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ thường được hiểu vào hai phương diện: quyền lập quy, tức là ban hành các văn bản dưới luật và quyền hành chính được hiểu là tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tiễn. Đây là nội dung mà Quốc hội sẽ thực hiện giám sát thông qua các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật và cũng là những nội dung Chính phủ phải báo cáo và có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Theo TS. Đinh Văn Minh, thời gian qua Chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình trước Quốc hội khá nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả. Chính phủ đã thực hiện đầy đủ các quy định và chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội cho quá trình chuẩn bị các báo cáo, tài liệu trình Quốc hội, từng bước khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thực chất hơn thông qua việc trao đổi thẳng thắn, cởi mở và dân chủ. Chính phủ và các Bộ trưởng trả lời, giải trình trực diện vào những vấn đề được chất vấn và có những Bộ trưởng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về những thay đổi cần thiết nhằm cải thiện tình hình, khắc phục những hạn chế yếu kém về quản lý trong phạm vi lĩnh vực ngành mình phụ trách. Các cuộc chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trực tuyến đến các địa phương, thu hút đông đảo cử tri cả nước cũng góp phần làm tăng thêm trách nhiệm của người chất vấn và trả lời chất vấn.

TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh, quyền giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội là hai mặt của một vấn đề với mục tiêu thống nhất là bảo đảm cho việc thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền lực Nhân dân mà Quốc hội là người đại diện. Khi nghiên cứu các quy định hiện hành liên quan đến quyền giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ (hiểu theo ý nghĩa phần nhiều mang tính chính trị của từ này) thì thấy rằng các quy định của pháp luật là khá đầy đủ, từ Hiến pháp đến các Luật tổ chức Quốc hội, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ...

Trên thực tế, Chính phủ ngày càng thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình của mình với việc cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời những báo cáo, tài liệu, hồ sơ... khi trình Quốc hội tại các kỳ họp cũng như phục vụ các hoạt động giám sát khác của Quốc hội. Chính phủ và các thành viên Chính phủ cũng có những giải trình cụ thể, trực diện những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên chất vấn và kịp thời có các giải pháp, phương án để khắc phục những yếu kém khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, còn một điểm còn hạn chế trong trách nhiệm giải trình với ý nghĩa là việc chịu trách nhiệm chính trị của Chính phủ và các thành viên Chính phủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Nghiên cứu về nội dung này, TS. Mai Thị Thanh Tâm, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội xuất phát từ chính vị trí, vai trò của Quốc hội; vị trí, vai trò của Chính phủ và mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ. Cụ thể: Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, gắn liền với các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ với tư cách là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Tương ứng với những nhiệm vụ, quyền hạn Chính phủ được giao là trách nhiệm giải trình của Chính phủ rất rộng lớn, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội: chính sách pháp luật, các văn bản pháp lý do Chính phủ ban hành; hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách công; việc sử dụng ngân sách nhà nước;…

Chính phủ chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, Báo cáo là hình thức trách nhiệm giải trình phổ biến của Chính phủ. Trách nhiệm báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội là một loại trách nhiệm tất yếu trong mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ. Thông qua việc thực hiện trách nhiệm báo cáo của Chính phủ, Quốc hội có thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện về hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như đời sống xã hội để có cơ sở nhận định, đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ thực hiện báo cáo trước Quốc hội với tư cách là tập thể Chính phủ hoặc với tư cách cá nhân Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ của Chính phủ.

Theo đánh giá của TS. Mai Thị Thanh Tâm, việc thực hiện các hình thức trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội vẫn tồn tại một số hạn chế như: Một số báo cáo của Chính phủ còn chung chung; hoạt động trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong nhiều trường hợp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; sự phân định thẩm quyền chưa rõ ràng; vẫn tồn tại khoảng trống pháp luật trong hệ quả pháp lý;…

Do đó, theo các chuyên gia cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội, để đảm bảo hiệu quả thi hành pháp luật nghiêm minh, kịp thời./.

Lê Anh - Ngọc Thúy

Các bài viết khác